Hà Nội

Nâng cao chất lượng dân số nhờ… mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân"

26-10-2023 11:09 | Y tế
google news

SKĐS - Mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" được triển khai ở địa phương đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.

Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong đó có đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. 

Từ năm 2013, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" trên phạm vi cả nước. Đến nay, mô hình đã cho ra đời hàng ngàn CLB tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với hàng trăm ngàn thanh niên thành viên, đã chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng triệu lượt người.

Theo Tổng cục Dân số, mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" đã được triển khai tại hơn 1.400 xã của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước; cung cấp kiến thức, tư vấn, điều trị cho hàng triệu vị thành niên, thanh niên để tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Kết quả triển khai mô hình sau một thời gian cho thấy nhận thức của nam/nữ thanh niên trước khi kết hôn đạt được những tín hiệu khả quan.

Nâng cao chất lượng dân số nhờ… mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân"- Ảnh 1.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân - hành trang cần thiết cho cuộc sống. Ảnh: T.H

Ghi nhận tại một số địa phương, mô hình "Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân" đã phát huy hiệu quả, góp phần đóng góp chung vào công cuộc nâng cao chất lượng dân số. BSCKI Hồ Thị Thanh Thủy - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn" được triển khai từ những năm 2006. Đến nay tiếp tục duy trì các hoạt động tại 178 xã/phường/thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố. Thông qua mô hình, nhận thức của các bạn trẻ đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ nam/nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng từ 9% (năm 2019) lên 15% (năm 2022).

Còn tại Thái Bình, ông Nguyễn Văn Phỏng - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình thông tin: Mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn" được triển khai tại Thái Bình với các hoạt động: Tuyên truyền, cung cấp thông tin qua hệ thống thông tin đại chúng; Phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức hàng chục buổi truyền thông về khám sức khỏe trước khi kết hôn cho học sinh và giáo viên. Qua đó, tăng tỷ lệ các cặp nam, nữ được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Duy trì hoạt động tại 131 câu lạc bộ tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân tại 131 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...

Chỉ ra thực tế mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai ở địa phương cho thấy lợi ích của mô hình trong việc đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Quỳnh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, quá trình triển khai, thực hiện mô hình còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hình thức tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân tại xã/phường chưa đạt hiệu quả cao do số lượng đối tượng tham gia sinh hoạt còn hạn chế; kinh phí ngày càng cắt giảm.

Khó khăn tiếp đến là trong việc kêu gọi sự tham gia của các đối tượng tham gia vào hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ của xã/phường vì lý do đối tượng đi làm ăn xa nhiều, đặc thù công việc và sợ bị lộ danh tính; Việc phối hợp các ban ngành đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động mô hình, lý do là chưa có kế hoạch thực hiện phối hợp ngành Dân số với các ban ngành khác; Tư tưởng các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiền hôn nhân còn e ngại, không ủng hộ con tham gia các hoạt động Mô hình; Thiếu trang thiết bị khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Để khắc phục, nâng cao hiệu quả mô hình, theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục về dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân: Tiếp tục truyền thông, giáo dục cho cộng đồng, đối tượng tiền hôn nhân về lợi ích sử dụng dịch vụ. Tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh phường/xã, treo pano, truyền thông trên mạng xã hội (Facebook), quảng cáo trên tivi, xây dựng website về các nội dung truyền thông liên quan đến mô hình.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Phát huy vai trò truyền thông, vận động của cán bộ dân số và cán bộ trạm y tế trong việc tuyên truyền vận động đối tượng tiền hôn nhân tham gia sử dụng dịch vụ. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục các nội dung liên quan đến mô hình tới các nhóm đối tượng học sinh tiểu học, THCS, THPT (dưới 18 tuổi)... Trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm thu hút và tạo sự tin tưởng cho các đối tượng sử dụng dịch vụ.



T.Hằng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn