Ông Zarif đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp Ngoại trưởng Qatar tại Doha hôm thứ 2 đầu tuần. Ngoại trưởng Iran Zarif chỉ ra rằng Mỹ đã bán vũ khí trị giá 50 tỷ USD cho khu vực vùng Vịnh vào năm ngoái. Kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Qatar dẫn lời Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn cho biết vùng Vịnh sẽ trở nên "ít an toàn hơn" do các tàu hải quân nước ngoài tăng cường sự hiện diện tại đây. Ông Zarif nêu rõ khu vực này đã trở thành "mồi lửa sẵn sàng bùng cháy" do chứa đầy "vũ khí" của Mỹ và những đồng minh của nước này. Trước đó, ngày 9/8, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở vùng Vịnh từ thế lực ở bên ngoài khu vực sẽ là một "nguồn gây mất an ninh" đối với Iran. Theo quan chức trên, Tehran sẽ hành động để bảo vệ an ninh của mình.
Eo biển Hormuaz sẽ trở thành nơi đối đầu giữa Mỹ và Iran?
Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quản lý. Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.
Bình luận của ông Zarif được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố đang hợp tác để thành lập một liên minh quân sự để bảo vệ vận chuyển thương mại ở vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz. Theo Ngoại trưởng Iran sự hiện diện của hạm đội hải quân Mỹ và nước ngoài không bao giờ tạo ra ổn định, đồng thời nhấn mạnh rằng an ninh vùng biển ở vịnh Ba Tư là trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực, không phải là trách nhiệm của các lực lượng nước ngoài.
Trước đó, Mỹ hiện đang vận động các đồng minh cùng tham gia một liên minh an ninh hàng hải trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với Iran. Tehran cũng đã lên tiếng cảnh báo hậu quả từ việc Israel tham gia liên minh của Mỹ tại vùng Vịnh. Trong khi đó, Anh đã tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải cùng với Mỹ ở vùng Vịnh để bảo vệ các tàu thuyền qua lại khu vực này sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.
Về phần minh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh Mỹ cần thay đổi chính sách tại Trung Đông và có những động thái để giảm leo thang căng thẳng trong khu vực. Ông Rouhani đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani ngày 11/8. Cơ quan báo chí của Tổng thống Iran dẫn lời ông Rouhani nêu rõ: "Tehran tin rằng việc làm dịu căng thẳng tại khu vực có lợi cho tất cả các bên, và chúng tôi hy vọng Mỹ hiểu rằng con đường mà họ chọn là sai lầm, do đó sẽ không thể có người thắng cuộc. Họ cần phải thay đổi hành vi của mình". Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Iran cáo buộc "một số nước ngoài khu vực" đang tìm cách gây bất ổn tình hình tại Trung Đông. Ông Rouhani cũng khẳng định Tehran sẵn sàng đàm phán với các quốc gia thân thiết nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực.
Sức ép đang tiếp tục đè nặng lên vai Iran. Ngày 11/8, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã tới London để tiến hành các cuộc thảo luận với giới chức Anh về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Iran. Theo hãng tin Reuters, trong các cuộc thảo luận, ông Bolton dự kiến kêu gọi Anh có lập trường cứng rắn hơn đối với Iran, đưa chính sách của London đối với Tehran tới gần hơn với chính sách của Washington, theo đó gây sức ép bằng những biện pháp trừng phạt. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc, đến nay, Anh vẫn ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) duy trì thỏa thuận hạt nhân, song vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh tại Eo biển Hormuz mới đây được cho là tạo áp lực khiến London cân nhắc một lập trường cứng rắn hơn.
Trong khi đó, theo các nguồn tin khu vực tàu chiến của Anh ngày hôm qua đã tới vùng Vịnh để tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu để bảo vệ các tàu thương mại. Việc triển khai lần đầu tiên được công bố vào tháng trước. Phía Anh cho rằng, sự hiện diện tàu chiến của nước này ở vùng Vịnh là để xoa dịu căng thẳng hiện tại và cam kết duy trì tự do hàng hải, đảm bảo vận chuyển quốc tế. Anh đồng thời tuyên bố động thái mới nhất này không làm thay đổi cách tiếp cận với Iran và Anh vẫn cam kết hợp tác với Iran để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa Iran và phương Tây cũng như sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh ở eo biển Hormuz. Dư luận lo ngại, các hành động leo thang có thể khiến Iran đóng cửa eo biển Hormuz nơi có một phần năm lượng dầu xuất khẩu của thế giới đi qua và bùng phát xung đột.