Trước đó, hôm 14-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo cho quốc hội rằng, ông sẽ đưa Cuba ra khỏi danh sách trên, cho phép các nhà làm luật của nước này 45 ngày cân nhắc để kháng nghị và thời hạn này đã hết vào ngày 29-5.
Việc Tổng thống Obama yêu cầu xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố là một phần trong sự thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt khi ông và Chủ tịch Cuba Raul Castro công bố hôm 17-12-2014, rằng họ sẽ nỗ lực khôi phục lại các mối quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt từ năm 1962.
Việc này sẽ dẫn đến sự chấm dứt các lệnh cấm viện trợ kinh tế, cấm xuất khẩu vũ khí của Mỹ, kiểm soát các mặt hàng “lưỡng dụng” có thể vừa sử dụng cho mục đích dân sự, vừa sử dụng cho mục đích quân sự, và yêu cầu Mỹ phản đối các khoản vay dành cho Cuba của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12-2014 ở Panama
Tuy nhiên, các lệnh cấm trên vẫn có hiệu lực theo các lệnh cấm vận chồng chéo khác của Mỹ, vì Cuba vẫn là đối tượng của một lệnh cấm vận kinh tế rộng rãi hơn của Mỹ vốn đã được áp đặt từ đầu những năm 1960.
“Trên thực tế, hầu hết những hạn chế liên quan đến xuất khẩu và viện trợ nước ngoài sẽ vẫn còn hiệu lực do lệnh cấm vận thương mại và vũ khí toàn diện mà Mỹ đã áp đặt đối với Cuba”, một quan chức Mỹ giấu tên nói, nhưng cho biết việc này có thể giúp các công ty và ngân hàng tư nhân của Mỹ có điều kiện làm ăn với Cuba hơn.
Kể từ hồi tháng 12-2014, hai bên đã tổ chức 4 vòng đàm phán cấp cao và chuẩn bị đạt được thỏa thuận mở cửa lại các đại sứ quán. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ phải báo cáo với quốc hội nước này một bản thông báo 15 ngày trước khi mở cửa đại sứ quán.
Washington đã đưa Cuba vào danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố" từ năm 1982, khi Havana hỗ trợ các phong trào du kích vũ trang tại Mỹ Latinh. Sự hỗ trợ này đã chấm dứt vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, nhưng Cuba vẫn bị giữ yên trong danh sách này cho đến nay.