Muôn nỗi khổ khi làm phim Bí thư tỉnh ủy

17-11-2009 10:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

"Bí thư tỉnh ủy"- bộ phim dài 50 tập do VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN) thực hiện, dự kiến phát sóng vào tháng 6/2010.

"Bí thư tỉnh ủy"- bộ phim dài 50 tập do VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN) thực hiện, dự kiến phát sóng vào tháng 6/2010. Mới đang quay nhưng phim đã thu hút được sự chú ý của công luận khi chọn nguyên mẫu là ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc - "cha đẻ" của khoán hộ, nhân vật từng gây chấn động dư luận một thời. Lặn lội đến tận nơi đoàn làm phim đang quay ở Vĩnh Yên, tận mắt chứng kiến cảnh cả đoàn ăn nghỉ vạ vật, cơm đường cháo chợ, khó khăn thiếu thốn trăm bề mới thấy thương cảm và xót xa cho cái sự bán chuyên nghiệp của điện ảnh nước nhà.

Mọi việc lớn nhỏ đều đến tay đạo diễn

Khi nhận phim này, có người bảo đạo diễn Quốc Trọng là "điên khùng", "mua dây buộc mình". Nửa đùa nửa thật, "Xuân tóc đỏ" nói với nhà văn Vân Thảo: "Không biết duyên số thế nào mà ông toàn đùn cái khó cho tôi". Đúng là làm phim về nông thôn thời kỳ những năm 1966 - 1968 rất khó để tái hiện bối cảnh. Quốc Trọng kể: “Không có cái gì trong tay, chúng tôi phải làm lại tất cả, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn như để có bối cảnh ngôi đình cổ 100 năm ở Đồng Tĩnh, đoàn làm phim phải tự tay quét vôi, kẻ khẩu hiệu, rồi đặt vấn đề với Ban quản lý di tích để được cất đi những gì là mới. Mặc dù các cụ đã đồng ý, nhưng vẫn phải cẩn thận làm lễ để xin thánh thần phù hộ...”.

Cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy.

Có chứng kiến cảnh phó đạo diễn Trần Trọng Khôi và mấy anh em trong đoàn túa ra bắt lợn con mà chẳng nề hà mùi hôi hám, bẩn thỉu mới biết, đi làm phim là bất kể việc lớn, nhỏ đều phải làm. Chưa lùng đâu ra chiếc xe quay cảnh chở lợn hợp tác xã, cả đoàn làm phim phải ngừng quay, chờ tìm cho bằng được xe Min-khơ. Nhưng kiếm đâu ra chiếc Min-khơ bây giờ? May lúc đó gặp ngay chiếc xe ôtô và anh lái xe "xịn" là bộ đội của Trường huấn luyện bộ đội biên phòng đi qua, thế là mời vào đóng luôn. Chiếc xe chở lợn được "vẩy" lên chút bùn đỏ quạch cho thêm phần thực tế. Đúng là trong cái khó, ló sáng tạo!

Họa sĩ Nguyễn Thương Chất tâm sự, tổ thiết kế do anh phụ trách đã phải vắt óc nghĩ đủ mọi cách để "chế" ra các loại đạo cụ với chi phí ít nhất nhưng vẫn phải tái hiện đúng nhất bối cảnh thời bao cấp. Các anh mày mò tìm đọc tài liệu, hỏi han người già mới hiểu cái cày, xe kéo trâu bánh cao su... thời đó thế nào. Đơn giản như cối đá cũng phải đi lùng ở Yên Lạc (cách điểm quay 30 km). Một số đạo cụ không mượn được ở địa phương, phải chở từ Hà Nội lên. Thế nên, anh nói vui: “Đi tới đâu anh em cũng "nhòm ngó" vào nhà dân như người ăn trộm, thấy có cái gì hợp với bối cảnh là mượn bằng được, nếu không lại "xoay" sang tự làm, hoặc thuê, mua các nông cụ như: cái cày, cái cuốc, cái kẻng, cái néo đập lúa... Thậm chí phải chấp nhận tốn kém, tìm mua nguyên liệu, nhờ người đan lại bộ bàn ghế mây kiểu ngày trước”.

Kinh phí làm một tập phim chỉ có vài chục triệu đồng nên đi đâu quay, đoàn cũng phải nhờ vả, xin xỏ của dân. Ngay như mượn lợn nhà dân quay 1 tiếng đồng hồ, song gia chủ lo lợn "chột lớn" nên lúc đầu không đồng ý, đạo diễn phải trổ hết tài ăn nói mới thuyết phục được gia chủ. Hay như quay cảnh quần chúng, chẳng dễ gì để có được sự ủng hộ "vô điều kiện" của người dân. Bà con hôm trước thích thì đi quay, hôm sau hết hào hứng lại không đến quay tiếp, đoàn làm phim lại phải chạy vạy nhờ vả. Đạo diễn Quốc Trọng than thở: "Tất cả cũng bởi cách làm phim của ta đến nay vẫn ở dạng... bán chuyên nghiệp nên chúng tôi mới phải vất vả thế. Làm phim ở nước ngoài khác hẳn, rất chuyên nghiệp, đi thuê cả những vai quần chúng"...

Giá như có... cái trường quay

Đau đáu với việc không có trường quay, đạo diễn Quốc Trọng cho biết, điều mà chúng tôi kêu gọi suốt 20 - 30 năm nay là cần một trường quay đích thực. Sự không chuyên nghiệp càng đẩy kinh phí lên cao. Giả dụ có một trường quay thì dựng bối cảnh thành phố để quay hết các cảnh có liên quan, quay xong là dựng đến bối cảnh nông thôn... Đầu tư trường quay lúc đầu tuy tốn kém nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta có thể chủ động làm 200 phim/năm như các nước khác. Có như vậy các đạo diễn mới có thể "tung hoành" như ý muốn.

Chỉ mỗi việc quay cảnh đường làng cũng thấy lắm gian nan, đâu cũng chằng chịt dây điện cao thế, nhà cao tầng nên đạo diễn phải cho làm lại nền, dùng phông để che chắn ngoại cảnh không phù hợp. Chỉ quay một đoạn đường làng ngắn thôi mà đoàn làm phim phải lặn lội tìm quay tận 4 xã thuộc 2 huyện mới chọn được những chỗ còn nguyên sơ tường đất để tái hiện cho đúng con đường làng ngày ấy. Phức tạp nhất là việc dựng lại cảnh quay trong nhà. Đơn cử một chi tiết nhỏ liên quan tới ban thờ là bà con không đồng ý ngay. Phim không quay nhà thật của nguyên mẫu vì ngôi nhà đã được xây mới. Dựng bối cảnh nhà ông Bí thư, gia chủ đồng ý cho quay chỗ nào cũng được, có điều là phải mời thầy cúng về xin phép bỏ ban thờ cũ, để lập ban thờ của phim. Quay xong lại phải làm lễ hoàn trả lại bát hương, bàn thờ như cũ.

Mặc dù đã rất cố gắng, song theo như đánh giá của đạo diễn Quốc Trọng, các anh cũng mới chỉ đạt được độ 70 - 80% so với mong muốn bởi tất cả mọi chi tiết đều là sự chắp vá, mọi bối cảnh đều phải làm mới hoàn toàn cho dù đó là bối cảnh cách đây mới có gần 50 năm. Khó khăn trăm bề là vậy nhưng nếu tận mắt chứng kiến những người trong đoàn làm phim đầu tư, chăm chút cho từng cảnh phim, dồn hết trí cho công việc mới thấy lòng say nghề yêu nghiệp của họ thật đáng trân trọng!

Thiên Hương


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn