"Đào, phở và piano": Chê thì thương, mà tán dương thì giả dối
Rầm rộ suốt những ngày qua, cho đến hiện tại "Đào, phở và piano" vẫn là hiện tượng "không thể hiểu nổi" ở phòng vé Việt những ngày đầu năm mới. Từ một bộ phim chiếu lặng lẽ âm thầm ở một rạp duy nhất trong cả nước bỗng dưng khiến khán giả ùn ùn đi xem, xếp hàng dài dằng dặc để mua vé. Ngay cả khi được chiếu thêm ở những cụm rạp khác, tình trạng "cháy vé" vẫn tiếp tục xảy ra; thậm chí ngay cả khi doanh thu lẹt đẹt hơn 1 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu nhưng "Đào, phở và piano" vẫn được đem so sánh độ hot với "Mai" doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội 2 ngày qua, nhiều khán giả vì tò mò độ hot của phim đã cố xếp hàng ra rạp để khảo nghiệm và những đánh giá trái chiều vẫn tiếp tục được bàn tán.
Khán giả Nguyễn Minh đăng bài cảm nghĩ trên diễn đàn Maybe You Never Watched This Movie bày tỏ đã xem phim từ trước khi phim hot và cảm nhận đây là một phim trung bình khá, nên xem vì phim mang giá trị lịch sử, văn hóa.
Theo đánh giá của vị khán giả này, diễn viên và diễn xuất được khen vì hợp vai. Dù nhân vật nữ chính giọng đọc thoại hơi đơ, tạo cảm giác kịch nhưng đặt vào giọng đọc văn thơ của các cụ ngày xưa thì chấp nhận được. Chàng trai nam chính thiết lập nhân vật gây ức chế cho khán giả nhưng nhờ có Doãn Quốc Đam, khán giả đã nhẹ tay hơn rất nhiều khi đánh giá nhân vật. Ông họa sĩ là một vai mà Trần Lực chắc không cần phải nhập vai vì quá hợp, cái chất nghệ sĩ toát lên rất nghệ, không tạo cảm giác nghệ sĩ phải khùng khùng hâm hâm như một số phim mắc phải hiện nay.
Tuy nhiên, phần dựng phim, cách chuyển cảnh và tiết tấu là điểm trừ. Trong khi những cảnh về khu phố rất đẹp song khu chiến lũy lại hơi giả, tạo cảm giác giống sân khấu kịch. Hơn nữa, không cần thiết phải nhảy qua nhảy lại giữa ngày 16 và 17, vô tình tạo cảm giác khó hiểu cho khán giả. Một số đoạn chuyển cảnh không được mượt mà gây đứt mạch cảm xúc khán giả.
"Cùng với đó, kỹ xảo có đoạn giả trân nhưng cũng không tệ tới mức nhăn mặt hay phải cảm thán. Ngoài ra, mảng hài của phim cũng duyên đối với mình, nhưng mình nghĩ khán giả khó tính sẽ đánh giá nó nhạt hoặc kệch cỡm, vì đặt bối cảnh phim chiến tranh. Cảnh nóng tuy không dung tục nhưng đặt nó ở đầu phim thì không hợp lắm", bài chia sẻ của khán giả Nguyễn Minh cũng nhận đồng tình nhưng cũng nhiều tranh cãi trên diễn đàn.
Ở một góc nhìn khác, khán giả Lê Võ Châu Anh chia sẻ trong diễn đàn "Mọt sách mọt phim" những đánh giá cơ bản rằng phim được đầu tư 20 tỷ đồng nhưng bối cảnh trông giả trân đến mức không thể cảm nhận được bất kỳ không gian nào là thật mà có phần y hệt mấy cái phim trường chụp ảnh cưới theo concept đổ nát.
Cũng theo khán giả này, hình ảnh bát phở bò gây ám ảnh đến khó chịu khi xuất hiện tầm 4-5 lần, mỗi lần đều có hiệu ứng ánh sáng trắng, kèm thứ âm nhạc khó hiểu dẫn đến liên tưởng quảng cáo món phở Hà Nội.
Đặc biệt dưới góc nhìn của khán giả này, việc xây dựng nhân vật là một điểm trừ lớn: "Đọc các bài review thì bảo là nhân vật không có tên, rằng là chàng trai, cô gái, là ông họa sĩ, là cha xứ, là cậu bé đánh giày, là ông bà bán phở, là họ đại diện cho người Hà Nội. Nhưng khi xem nhân vật đều có tên tuổi, như cặp đôi chính: Văn Dân - Thục Hương. Tuy nhiên, "không có tên" ở đây có thể hiểu là bởi nhân vật còn không có một cuộc đời được đặt trong bối cảnh xã hội. Nhân vật trong phim cứ đi đi lại lại mà không có câu chuyện gì hoặc câu chuyện không để làm gì. Họ cứ nói mấy lời sáo rỗng yêu nước y hệt một cuộc hội nghị. Chiến sự mù mịt tự dưng cô gái quay lại lấy đàn, rồi đàn, rồi các anh tự vệ hạ đàn, rồi bị lính Tây bắn vỡ đàn, rồi đau khổ vì cây đàn đã chết....Cuối cùng thì, thứ đọng lại lớn nhất trong mình có lẽ cảnh hát ả đào quay lưng, nhìn ra bầu trời mù mịt là cái khung cảnh đẹp đẽ nhất mình có đối với bộ phim này". Chia sẻ này cũng nhận không ít bình luận tranh cãi trên diễn đàn.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả cũng "đặt lên bàn cân" 2 bộ phim dạng "cúng cụ" là: "Đào, phở và piano" - "Hồng Hà nữ sĩ" và quan ngại: "Cá nhân mình đã xem cả 2 phim và thực sự thấy "Hồng Hà nữ sĩ" là bộ phim tốt hơn hẳn nhưng lại chịu lép vế về hiệu ứng truyền thông đối với "Đào, phở và piano". Điều khiến mình quan ngại nhất, đó chính là khi "Đào, phở và piano" được chiếu rộng rãi toàn quốc sau các sự kiện "cháy vé" và các thông tin bên lề như một sự kiện đáng chú ý kia, liệu khán giả xem xong có bị thất vọng, chán nản và mất hẳn niềm tin vào thể loại phim "cúng cụ" này không? Và liệu nếu phim không làm đủ tốt với lý do thiếu kinh phí, thì biết trước sẽ không tốt làm ra để làm gì?"; "Chưa nói đến dạng phim "cúng cụ" không đủ sức lôi kéo số đông khán giả ra rạp mà đơn giản chỉ nhìn vào doanh thu là có thể thấy "Đào, phở và piano" đã không "có cửa" so với "Mai". Chẳng hiểu sao có nhiều bài viết lại giật title "đè bẹp", "vượt mặt",... thật khó hiểu!";...
Truyền thông lý giải "cháy vé" của "Đào, Phở và Piano" và "Mai"
Dưới góc độ truyền thông, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ quan điểm: "Phim "Đào, phở và piano" được chiếu ở một cụm rạp và bán hết vé nhưng được nâng tầm lên thành "cháy vé" rồi so sánh với phim Mai để "hưng phấn" là đang "tự sướng" quá đà.
"Cháy vé" mà số đông đang hiểu nó không phải nội hàm chữ "cháy vé" mà truyền thông đang dùng cho phim "Đào, phở và piano", càng không có cơ sở để đốt lên giấc mơ trăm tỷ. Phim "Đào, phở và piano" cần gọi cho đúng là "cháy vé cục bộ".
Ở phương diện marketing & truyền thông, hiện tượng này chỉ phản ánh duy nhất một việc là nó được đón nhận bởi tệp khách của Trung tâm chiếu phim quốc gia, hợp gu với tệp khách đó, ở khu vực địa lý đó mà thôi. Đừng nghĩ rằng với sự "cháy vé cục bộ" ấy thì mang đi phát hành toàn quốc con số mấy trăm triệu doanh thu kia sẽ x1000 lần lên theo số lượng rạp mà nhầm lẫn.
Giống như rất nhiều diva divo miền Bắc không được đón nhận ở miền Nam; hay rất nhiều "ông hoàng bà chúa" nhạc miền Tây ra Hà Nội diễn nhận về hờ hững. Việc đó rất bình thường vì gu thưởng thức âm nhạc không có giống nhau ở mọi nơi. Và phim ảnh thì cũng vậy. Chừng nào phát hành toàn quốc mà cháy vé, mới thực sự là cháy vé".
Nói về sự cố "sập web" vì giành nhau mua vé, vị chuyên gia này chỉ ra một thực tế rằng: "Web sập đơn giản là... lập trình kém, nhiều connection cùng lúc thì bị sập. Vì cho dù bán được 1 triệu vé nhưng web sập nhiều khi chỉ vì 100 người mua cùng lúc. Không liên quan đến số lượng bán ra. Nó giống như cái cổng nhà nhỏ quá mà 5 ông nắm tay dàn hàng ngang thì không vô được. Còn từng người vào thì triệu ông cũng vô tư... Lý do duy nhất là công nghệ web lỗi thời thôi".
Dù tranh cãi trái chiều, xôn xao, ồn ào thì đến hiện tại không phủ nhận được việc "Đào, phở và piano" trở thành phim "đặt hàng" gây hot. Thậm chí, mới đây nhất, những người tới rạp xem "Đào, phở và piano" ở Trung tâm chiếu phim Quốc Gia vào tối ngày 22/2 lại bất ngờ lần nữa khi hai diễn viên chính là Doãn Quốc Đam và Cao Thùy Linh xuất hiện trong rạp để gửi lời cảm ơn khán giả.
Chuyện đoàn làm phim đi cinetour, gặp gỡ khán giả rồi cùng trò chuyện về bộ phim vốn đã quen thuộc ở Việt Nam. Nhưng đó là những bộ phim thương mại do tư nhân sản xuất và lịch trình cinetour như đến rạp nào, suất chiếu lúc mấy giờ đều được thông báo trước để mọi người cùng biết và chờ đón.
Doãn Quốc Đam xúc động khi thấy khán giả nhiệt tình ủng hộ dòng phim lịch sử. Anh tự thấy bộ phim chưa xuất sắc, bản thân Doãn Quốc Đam cũng thấy nhiều phân đoạn anh chưa đạt phong độ diễn xuất tốt nhất nhưng rất mong sau này sẽ có nhiều phim lịch sử hấp dẫn hơn nữa để khán giả được thưởng thức.
Theo Box Office Việt Nam, doanh thu "Đào, phở và piano" tính đến ngày 15h00 ngày 22/2 đạt hơn 1 tỷ đồng; "Mai" cán mốc hơn 410 tỷ đồng; "Gặp lại chị bầu" gần 70 tỷ đồng,... sau 10 ngày công chiếu.