Trong khi hầu hết các bé khác đã thuộc "làu làu" mặt chữ, "đọc thông viết thạo" để chuẩn bị đi học lớp 1 rồi, thì Tin Tin nhà mình vẫn "lờ mà lờ mờ", chữ nhớ chữ không.
Là lỗi tại bố mẹ cứ di chuyển công tác suốt nên toàn "tha lôi" con đi theo, khiến bé chẳng được học cố định ở một nơi nào. Có khi con đến lớp mẫu giáo chưa kịp làm quen với các bạn, với chương trình thì đã "bay" sang trường khác theo bố mẹ rồi. Kết quả là giờ bố mẹ đã có thể bắt đầu "cắm chốt" lại thành phố và ổn định nhà cửa, công việc để con đi học, thì mới "giật nảy" vì kiến thức "ù ù cạc cạc" của cục cưng nhà mình.
Cuống cuồng lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì, bố mẹ bình tĩnh ngồi "kiểm điểm" lại bản thân vì lâu nay chẳng chăm lo gì đến việc học hành của con; khiến Tin Tin có nguy cơ "đuối" khi đi học do không theo kịp các bạn. Sau đó thì đưa ra giải pháp: mẹ sẽ nghỉ phép ở nhà 1 tuần để kèm cặp cho Tin Tin đôi chút, để con đỡ bỡ ngỡ khi đến trường. Nhất là để con không bị lạc lõng so với bạn bè với vốn "chữ nghĩa" ít ỏi của mình.
Thế nhưng, với 1 tuần ngắn ngủi, mình cảm thấy thực sự hoang mang vì không biết làm thế nào để kèm cặp cho con một cách hiệu quả được. Không lẽ ngày nào cũng bắt Tin Tin ngồi "mài mông" cả ngày học chữ hay sao? Đã thế lâu nay con lại chẳng mấy khi phải gò bó như vậy cả, giờ làm sao để bé ngoan ngoãn mà học hành? Phương án "nhồi cấp tốc" cho con nhanh chóng bị loại bỏ vì theo mình nó sẽ chẳng mang lại kết quả gì, ngoài việc phải nghe Tin Tin gào thét. Lâu nay, thằng bé chỉ hứng thú với mỗi đống đồ chơi của nó thôi mà. Đồ chơi, đồ chơi,... ôi, mình phải làm thế nào đây???
A, mà nhắc đến đồ chơi mới nhớ, tại sao mình không "biến" những chữ cái kia thành đồ chơi cho con nhỉ? "Vắt óc" suy nghĩ một hồi, mình "hí hửng" thực hiện "sáng kiến" có vẻ khá hay ho vừa nghĩ ra. Không ngờ Tin Tin lại hưởng ứng nhiệt tình chứ. Mình vui lắm, nhờ vậy mà sau 1 tuần ngắn ngủi, về cơ bản là Tin Tin đã thuộc nằm lòng bảng chữ cái và biết ghép vần rất tốt. Tuyệt vời nhất là con lại rất thích thú mỗi khi học. Vì thế, mình tin khi tới trường, con sẽ không còn bỡ ngỡ và "bắt nhịp" chương trình tốt hơn. Mình chia sẻ một chút về cách "luyện" con học chữ bằng trò chơi nhé, hi vọng là nó có ích cho một số mẹ cũng đang lo lắng như mình 1 tuần trước ạ.
- Giúp con nhớ mặt chữ bằng trò câu cá:Mình dành 1 buổi tối cắt các chữ cái đầy màu sắc rồi dán vào những chú cá trong bộ trò chơi câu cá mà Tin Tin vẫn hay chơi. Hôm sau, mình "dụ" Tin Tin vào bàn để chỉ cho bé sơ qua về bảng chữ cái và hứa rằng: "Nếu con tập trung để nhớ, lát nữa chúng ta sẽ được chơi 1 trò mới cực kì thú vị". Vậy là Tin Tin ngồi vào bàn, nhưng cách học "suông" này khiến con cố gắng lắm cũng chẳng tập trung được bao nhiêu. Mình phải "thay đổi chiến thuật" bằng cách cùng con chơi trò câu cá trước. Đầu tiên, mẹ sẽ là người chọn 1 chữ cái nào đó, để Tin Tin "câu" được con cá có dán chữ đó, sau đó thì đổi lại. Vì chưa nhớ lắm bảng chữ, nên Tin Tin toàn thua mẹ trong trò này. Đó cũng là động lực để con quyết tâm "ngồi vào bàn và học thật thuộc bảng chữ". Sau mỗi lần như vậy, con đều chơi giỏi hơn 1 chút và được mẹ khen. Cuối cùng, Tin Tin đã có thể thắng được mẹ trong trò chơi này. Con mẹ thì nhận được "phần thưởng" là con đã hoàn toàn nhớ rõ bảng chữ cái, không bị lẫn lộn các chữ với nhau nữa. Tuy vậy, mỗi ngày 2 mẹ con mình vẫn chơi lại trò này để đảm bảo là Tin Tin không quên chữ nào.
- Giúp con học vần bằng cách phân chia đồ vật: Mẹ bảo: "Để chúng ta không bị lẫn lộn đồ đạc với nhau, mẹ con mình nên ghi tên các đồ vật để phân biệt. Chẳng hạn: "Búp bê" thì sẽ là của Tin Tin, còn "bàn là" thì của mẹ,..." Để chơi được trò này, trước hết Tin Tin phải học cách ghép vần trước. Bắt đầu từ những từ rất đơn giản như: Mẹ, bố, bà,... và bếp ga, tủ lạnh, đồ chơi,... Mỗi khi ghép được một từ nào đó, 2 mẹ con lại tập viết thật đẹp lên 1 mảnh giấy nhỏ rồi dán vào đồ vật. Ngày hôm đó, cả nhà mình đã chi chít những mẩu giấy ở khắp nơi. Tin Tin thích chí đánh vần "véo von" mỗi khi mở tủ lạnh, ngồi vào bàn hay khi muốn dùng bất cứ thứ đồ gì. 2 mẹ con còn giao hẹn là nếu chưa đánh vần được tên đồ đạc, sẽ không ai được "đụng đến" chúng nữa.
Ngày tiếp theo, 2 mẹ con lại chơi lại trò đó bằng cách mới hơn. Đầu tiên là mẹ sẽ nói "tủ lạnh", nếu Tin Tin đánh vần đúng từ đó thì sẽ được "bóc" bảng tên trên tủ lạnh ra và cho vào giỏ của mình. Sau đó đến lượt mẹ. Cuối cùng, nếu giỏ ai có nhiều bảng tên hơn thì sẽ thắng cuộc. Mẹ còn hứa là nếu Tin Tin chơi giỏi hơn, buổi tối mẹ sẽ dẫn con đi siêu thị. Cuối cùng thì sau 1 ngày chơi vui vẻ và miệt mài, Tin Tin không chỉ đánh vần thêm được rất nhiều từ, mà còn được bé chở đi chơi nữa. Con tỏ ra thích lắm!
- Trò chơi "tìm đồ vật" trong siêu thị:Mình "đố" con tìm được những vật gì có tên bắt đầu bằng chữ "A", chữ "B",... và để bé suy nghĩ, tìm tòi. Trò này với Tin Tin cũng thú vị không kém, bằng chứng là con cứ chạy loăng quăng khắp nơi để tìm kiếm. Kết thúc một buổi tối "mệt phờ" ở siêu thị, khả năng đánh vần của Tin Tin tăng lên thấy rõ. Và sau 1 đêm ngủ say sưa, sáng hôm sau, cu cậu đã dậy từ sớm để đòi mẹ chơi trò viết tên đồ vật cho những thứ vừa mua được hôm trước.
Thực ra, trong ngày một ngày hai, Tin Tin chưa thể làm tốt tất cả mọi thứ được, cũng như chưa thể viết hay đánh vần những từ khó. Thế nhưng với mình, đó cũng là một thành công rất lớn so với trình độ "gà mờ" của con mấy ngày trước rồi. Ít nhất, con cũng nắm được những gì cơ bản nhất để có thể tiếp thu những kiến thức mới. Bởi có học toán, học văn hay những môn "cao siêu" đến đâu thì cũng phải biết chữ trước phải không các mẹ?
Đặc biệt là nhờ được truyền cảm hứng qua những trò chơi vui vẻ như vậy, Tin Tin càng ngày càng hào hứng với việc học chữ hơn. Mình cũng thường xuyên động não để sáng tạo những trò chơi mới để bé vừa chơi vừa học như vậy. Với mình, đó là cách hiệu quả để con "thấm" những bài học đầu tiên, chứ trẻ con thường ghét bị ép buộc làm bất cứ điều gì mà.