“Tới đây, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP sẽ bị xử phạt với mức cao hơn so với quy định hiện hành”- đây là thông tin được TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhấn mạnh với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 29/3 về những nội dung xung quanh dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đề xuất mức phạt sẽ đủ sức răn đe
Theo TS. Trần Quang Trung, ATTP là một lĩnh vực gắn bó mật thiết đến đời sống của hàng triệu người dân, thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp và lực lượng chức năng liên quan đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử phạt... về ATTP nhưng lĩnh vực này vẫn còn không ít tồn tại. Nghị định 91/NĐ-CP hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã đưa ra nhiều mức xử phạt, hình thức xử phạt, trong đó có quy định mức xử phạt cao nhất với những hành vi vi phạm về ATTP của cá nhân là 100 triệu đồng, cùng với nhiều hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo..., tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vì lợi nhuận mà sẵn sàng sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
![]() TS. Trần Quang Trung. |
Do đó, để nâng cao tính răn đe đối với những vi phạm về ATTP, đồng thời để tạo nên sự phù hợp, đồng nhất với những quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 cũng như các quy định của Luật ATTP, Chính phủ đã giao ngành y tế soạn thảo Nghị định về xử phạt những vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP mới thay thế Nghị định hiện hành. Nếu như Nghị định hiện hành quy định mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về ATTP không quá 100 triệu đồng thì dự thảo Nghị định lần này quy định trong một số trường hợp sẽ không bó hẹp trong khung xử phạt “không quá 100 triệu đồng” mà mức xử phạt cao nhất sẽ bằng 7 lần giá trị vi phạm. Theo đó, ví như với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng, nhưng trong trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất vẫn thấp hơn 7 lần giá trị vi phạm thì mức phạt được áp dụng là 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, có nghĩa là hành vi này sẽ có thể bị xử phạt từ 140 - 280 triệu. “Với việc quy định tăng mức xử phạt, không bó hẹp trong khung 100 triệu đồng như cũ thì tính răn đe với những sai phạm trong lĩnh vực ATTP sẽ được nâng lên, góp phần làm hạn chế các đối tượng có ý định sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo”- Cục trưởng Trần Quang Trung nhấn mạnh.
![]() Đoàn công tác liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm. |
Thêm cơ quan tham gia xử lý
vi phạm về ATVSTPCùng với việc tăng mức tiền xử phạt thì dự thảo Nghị định mới cũng tăng thêm thẩm quyền xử phạt và đối tượng tham gia xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Theo Nghị định 91 quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về ATTP có giá trị đến 2 triệu đồng thì tại dự thảo mới Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt đến 5 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện được nâng thẩm quyền phạt từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng.
Bộ Y tế đưa ra đề xuất Chánh thanh tra Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở thuộc các Sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc các ngành: Y tế, NN&PTNT, Công Thương có quyền phạt đến 50 triệu đồng thay vì 30 triệu đồng như quy định hiện hành. Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ thuộc các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thay vì có quyền phạt đến 70 triệu đồng như quy định hiện hành, sẽ tăng thẩm quyền phạt lên đến 140 triệu đồng. Đội trưởng đội Quản lý thị trường cũng có quyền phạt đến 25 triệu thay vì 5 triệu như quy định hiện hành. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thay vì có quyền phạt đến 20 triệu đồng như quy định hiện hành cũng được đề xuất nâng thẩm quyền phạt đến 50 triệu đồng...
|