Hà Nội

Mùa “phù phép” trái cây

18-04-2012 22:08 | Xã hội
google news

Hiện nay, khi mùa thu hoạch trái cây ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An, Bến Tre… sắp bước vào vụ chính, nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra vô cùng lo ngại vì chất ủ chín trái cây.

Hiện nay, khi mùa thu hoạch trái cây ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An, Bến Tre… sắp bước vào vụ chính, nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra vô cùng lo ngại vì chất ủ chín trái cây. Không chỉ khách hàng cảm thấy hoang mang mà ngay cả chủ vườn cây cũng không dám ăn chính trái cây do bàn tay mình trồng ra vì một loại thuốc mà chỉ cần ngâm qua là trái non cũng thành… trái chín. Điều đáng nói, những tác hại của loại thuốc này tới sức khỏe người tiêu dùng vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Thuốc dùng một đêm

Theo thói quen, ở Nam bộ, người ta bán trái cây trọn cả vườn. Nghĩa là chủ vườn, thương lái sẽ thống nhất giá cả vườn trái cây chứ không thu hoạch từng đợt nhỏ. Sau đó, tư thương sẽ thu hoạch cả vườn cây này trong vòng 1 ngày gồm cả quả chín lẫn quả xanh. Quả chín thì không nói, riêng những quả xanh, họ thường dùng một loại thuốc kích thích để ngâm. Sau 1 đêm, chúng sẽ thành quả chín. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thương lái gọi loại thuốc này là “thần dược” dùng ủ trái cây. Và, không cần nói cũng biết, loại thuốc này có ảnh hưởng xấu tới người sử dụng sản phẩm đó.

 Những trái sầu riêng này có thể đã được ngâm trong dung dịch ethephon.

Những loại trái cây thường được ngâm thuốc sau khi thu hoạch là sầu riêng, mít, chuối, mãng cầu, sapôchê (hồng xiêm)… Hiện nay, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang rầm rộ bước vào mùa thu hoạch trái cây nên các loại thuốc này cũng được dùng rất phổ biến. Theo bà Nguyễn Hồng Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang): “Thời gian qua, trên địa bàn xã cũng xuất hiện một số nông dân phản ánh việc thấy thương lái nhúng trái cây non mới thu hoạch vào hóa chất “gì đó” rồi mới cho lên xe chở đi. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa xác minh cụ thể bởi thông thường, người ta chỉ thu hoạch trái cây vào… ban đêm. Sáng hôm sau đã chở hết lên thành phố rồi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hóa chất đó là một loại dung dịch màu trắng đục, pha loãng, đựng trong những thùng lớn gọi là ethephon. Bà Nguyễn Thị Hiền ở ấp Thủy Tây cho biết, mấy hôm trước, gia đình bà có bán một vườn sầu riêng rộng 4 công cho tư thương. Họ trả tiền rất sòng phẳng. Tuy nhiên, sau một đêm ngủ dậy, sầu riêng đã được thu hoạch hết. Cả vườn trống trơn. Điều đáng nói, trong đó có những trái non phải… hơn một tháng nữa mới chín.

 Tình trạng sử dụng hóa chất kích thích trái cây chín diễn ra phổ biến nhất là trong mùa hè vào vụ thu hoạch trái cây.

Nhập nhằng mục đích        

Hiện nay, muốn mua loại thuốc này không khó, chúng được bày bán công khai ở một số cửa hàng trên địa bàn huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) dọc theo tuyến đường quốc lộ 1A. Trong thuốc này có chứa chất ethephon là chất làm trái xanh mau chín. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang: “Chất ethephon này đã được Bộ NN&PTNT cho đăng ký và lưu hành trên thị trường với công dụng, mục đích là… kích thích cây cao su ra mủ và dùng làm phân bón cây ra lá nhanh hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng thì các thương lái cũng như nhà sản xuất lại dùng vào việc làm chín trái cây. Tác hại của nó thì chưa được phân tích cụ thể, tuy nhiên, về nguyên tắc dùng thuốc kiểu này rất nguy hiểm bởi nó sai mục đích”.

 Hóa chất ethephon dùng ép chín trái cây.

Tuy nhiên theo ông Sinh, nếu dùng chất này kích thích trái cây như sầu riêng, mít, sapôchê… thì cũng tốt nhưng đấy là đối với trái cây già, sắp chín. Còn các thương lái, chủ vựa dùng thuốc kích thích này với trái xanh, trái non thì không phải do thuốc nó độc hại mà do trái cây chưa chín nên chất lượng không đảm bảo. Thêm nữa, trước đây từng có nghiên cứu của Đại học Cần Thơ chỉ ra rằng, chất ethephon này có thể dùng để biến đổi vỏ trái cây, cụ thể là quýt từ màu xanh thành màu vàng, đỏ tươi. Hiểu nôm na, nếu dùng chất này thì trái cây non cũng có màu sắc và vẻ bề ngoài như trái chín cây tự nhiên khác.

Tại Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang), nơi được coi là “xã điểm” của cây trái ở Cai Lậy, ông Nguyễn Tấn Nhũ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tình trạng nhà vườn bán trái cây hết cả vườn rồi thương lái thu hoạch cả trái xanh lẫn trái chín, sau đó dùng hóa chất xử lý trái non đã xảy ra trên địa bàn xã từ lâu, khoảng 5 năm nay. Sau đó, xã đã có nhiều hội thảo về vấn đề này, các nhà chuyên môn đều khẳng định không nên lạm dụng dùng hóa chất đó vì nó ảnh hưởng tới hệ thần kinh con người nếu quá liều lượng cho phép. Tuy nhiên đến nay, tình trạng sử dụng hóa chất vẫn còn, đa phần là lén lút và chính quyền xã không thể quản lý xuể vì toàn xã có gần 1.000ha sầu riêng cùng 400ha sapôchê và một số loại trái cây khác nữa”.

Việc sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục để “phù phép” biến trái non, trái xanh thành những trái cây chín bán cho người tiêu dùng là một việc làm nguy hại, gây hoang mang trong dư luận. Nhất là khi mà vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên cấp bách.  

Theo TS. Nguyễn Xuân Niệm - Sở Khoa học & Công nghệ Kiên Giang:

- Các chất kích thích trái cây chín ảnh hưởng đến sức khỏe: Axetylen có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nhức đầu, chóng mặt,… Ethylen có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mắt, da, phổi, trí nhớ và có thể đưa đến hiện tượng thiếu ôxy trong cơ thể. Ethephon hay bethylen chuyển ra thành ethylen nên có tác hại đến sức khỏe như ethylen.

- Nhận biết trái cây chín ép: sầu riêng chín cây có mùi thơm nồng, gõ vào phần dưới của trái nghe tiếng kêu lộp bộp và chỉ cần tách nhẹ ở “đít” trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ nên một số người bán chỉ tách phần giữa trái cho khách xem chứ không tách phần “đít” trái. Mít chín cây thì cả múi mít, xơ mít đều chín vàng, mùi thơm ngọt, gai mít nở to. Đối với chuối, cau: loại dùng hóa chất thường rất vàng, trái chuối không no tròn, trông rất mướt, buồng chuối vàng đều từ nải đầu đến nải cuối. Chuối chín tự nhiên sẽ có màu vàng xỉn hơn, không bóng mượt nhưng có mùi thơm tự nhiên. Tương tự, xoài chín ép có vỏ vàng rực, bóng láng nhưng không có mùi thơm đặc trưng của xoài chín.  (Trang web của Sở KH&CN Kiên Giang 30/8/2011)

 

  Bài và ảnh: Ứng Hòa


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn