Nguyễn Thúy Lan (SN 1990) là du học sinh mới tốt nghiệp trường Senmon Siurin, ngành phiên dịch Bisinies, hiện đang làm việc tại Nhà thiếu nhi quận Sumida, Nhật Bản.
Xa nhà đến nay là năm thứ tư, Lan dường như đã quen với việc phải đón Tết xa quê. Chính vì vậy, năm nay Lan đã tự tay cắt dán giấy để trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ tất niên, cỗ năm mới với những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, bánh rán, bánh nếp, giò lụa, xôi vò, xôi gấc, lòng lợn, thịt ba chỉ luộc, canh khoai tây cà rốt… để cùng mọi người quây quần đón chào năm mới.
Lan chia sẻ, bốn Tết không được về Việt Nam, cô cảm thấy buồn và nhớ Tết ở Việt Nam vô cùng. Muốn được quây quần bên gia đình nhưng do công việc nên không thể xin nghỉ vào những ngày Tết.
"Mẹ và các anh chị rất mong ngày Tết có em về để gia đình cùng xum vầy, nhưng mấy năm nay em không được về rồi. Mẹ em tuổi đã cao nên lại càng mong ngóng con về những ngày Tết…", giọng Lan nghẹn lại.
Lan cho biết thêm, thường vào những ngày Tết, vé máy bay rất đắt, có khi gấp đôi, gấp ba ngày thường nên để về Việt Nam ăn Tết với gia đình cô cũng phải tích cóp một thời gian dài mới đủ. Vì ngoài tiền vé hai chiều thì còn quà cáp, lì xì cho mẹ, anh chị em và các cháu.
"Năm nay em cũng chỉ gửi tiền về biếu mẹ một ít và mừng tuổi cho các cháu. Đêm giao thừa thì gọi video cho cả gia đình, nhìn mọi người mà em chỉ muốn được lao về ngay để được hít hà cái không khí ngày Tết của quê hương. Hưởng Tết Việt Nam qua điện thoại mấy năm rồi, năm nay em quyết định tự tay tạo cho mình và mọi người một không khí Tết Việt Nam đúng nghĩa hơn, bằng việc nấu và ăn những món ăn Việt, nghe nhạc Việt... Rồi mọi người lì xì cho nhau, chúc nhau những câu chúc không thể Việt Nam hơn như: Sức khỏe dồi dào, phát tài phát lộc, tiền vào như nước...
Vì Tết là ở trong lòng mỗi người, nhớ và yêu Tết thì tự tạo nên một Tết Việt ở bên đất nước Nhật Bản xa xôi cũng không phải là điều quá khó", Lan vui vẻ tâm sự.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Uống Nước Tăng Lực Thường Xuyên Có Hại Thế Nào- I SKĐS