Hà Nội

Một Syria nhiều thách thức trước thời điểm lịch sử

26-11-2017 22:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lực lượng khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria đang dần đi đến hồi kết khi quân đội chính phủ giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của tổ chức này ở Syria.

Cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 7 năm qua tại Syria cũng đang có cơ hội sớm chấm dứt với việc Nga và Mỹ nhất trí "không có giải pháp quân sự" cho vấn đề Syria. Dường như, đất nước Syria đang đứng trước thời khắc lịch sử khi có thể đón nhận hòa bình trở lại. Mặc dù vậy, “bức tranh Syria” vẫn đang đối mặt với rất nhiều gam màu xám.

Tuần qua là một tuần nhiều tin vui với Syria. Trước hết, đó là tin chiến thắng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS dồn dập đổ về ở các mặt trận chống IS trên toàn Syria. Thứ hai là thành công của hội nghị thượng đỉnh tại Sochi (Nga) giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ với việc 3 quốc gia này cùng thống nhất về quan điểm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhất trí tổ chức "Đại hội Đối thoại dân tộc Syria" trong tuần tới, để nhân dân Syria tự lựa chọn tương lai và thống nhất các nguyên tắc thể chế nhà nước của mình. Đây là một bước tiến đáng kể của 3 nước bảo trợ cho Syria, sau những kết quả tích cực như thỏa thuận ngừng bắn khu vực và thiết lập các vùng an toàn tại thực địa. Cuộc gặp thượng đỉnh ở Sochi chính là lời khẳng định rằng một trật tự mới đang được định hình tại khu vực này. Bản thân việc Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thống nhất quan điểm với nhau đã là một thành công bởi 3 nước này theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong vấn đề Syria. Đại hội dân tộc Syria, nếu được tổ chức thành công trong tuần tới có thể trở thành chất xúc tác thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria đến nhanh hơn và thực chất hơn.

Một yếu tố tích cực nữa phải kể đến, đó là « cái gật đầu đồng thuận » giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Syria. Xin nhắc lại rằng, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên lề Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nắng 2017, đã nhất trí « không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria », được cho là động thái mở đường cho lộ trình hòa bình ở Syria. Bởi từ trước đến nay, Nga và Mỹ, với những tính toán khác nhau, luôn đối đầu nhau tại chiến trường Syria với việc hậu thuẫn riêng rẽ cho quân đội chính phủ và lực lượng đối lập, khiến cuộc khủng hoảng Syria luôn bế tắc. Vì thế, cái « gật đầu hiếm hoi» dù chỉ là tạm thời giữa hai cường quốc, chính là một tiền đề thuận lợi giúp « mũi tên tìm kiểm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng Syria » có thể đến đích nhanh hơn.

Syria sắp có hòa bình ?

Syria sắp có hòa bình ?

Vậy, phải chăng thế giới đã có thể thở phào nhẹ nhõm với những tín hiệu tích cực tại Syria ?

Sẽ là quá lạc quan nếu đưa ra quan điểm như vậy. Cần nhắc lại rằng, đây là thời điểm của hy vọng, bởi sự đồng thuận của các bên đang giúp tiến trình hòa bình ở Syria đi tới đích nhanh hơn, nhưng khi các bên cùng ngồi lại với nhau, liệu các nước lớn có thể dẹp bỏ những toan tính riêng tìm kiếm tương lai chung cho Syria hay không, còn là điều phải tính đến. Thứ nhất, Mỹ và các nước khác có thể chấp nhận các giải pháp mà Nga đề xuất – trong đó nhiều khả năng vẫn để Tổng thống Syria Bashar al Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực hay không? Thứ hai, Mỹ có từ bỏ sự can dự của mình vào tiến trình dàn xếp chính trị tại Syria, sau khi IS bị tiêu diệt hay không ? Thứ ba, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, của Iran, của các quốc gia khác tại Syria sẽ ra sao khi mỗi nước đều theo đuổi một mục đích riêng? Đây đều là những câu hỏi ngỏ chưa có lời giải.

Chính vì thế, trước khi nói tới hòa bình cho Syria, điều khó khăn nhất chính là dung hòa được lợi ích của tất cả các bên, với những toan tính đan xen và đầy phức tạp. Dù IS sắp bị đánh bật hoàn toàn khỏi Syria, song quốc gia Trung Đông này vẫn đang đứng trước tương lai bấp bênh. Sự suy tàn của IS sẽ không tự động mở đường tiến tới giải pháp cho cuộc xung đột lợi ích giữa các bên ở Syria cũng như các nước liên quan. Thậm chí, việc loại bỏ được "kẻ thù chung" là IS còn có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay nếu “miếng bánh Syria” khôngđược chia phần một cách thỏa đáng.

Một bài toán khác cũng đang được đặt ra. Đó là làm sao hóa giải được mâu thuẫn giữa các phe phái, với hệ tư tưởng riêng và sắc tộc, tôn giáo riêng. Trong điều kiện như vậy, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững cho Syria, quả thực là nhiệm vụ khó khăn.

Ở thời điểm này, rõ ràng, con đường hướng tới nền hòa bình lâu dài ở Syria chưa hẳn đã bằng phẳng. Dù vậy, những tín hiệu tích cực được nhen nhóm trong tuần qua cũng đã nhóm lên nhiều tia hy vọng. Và “Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria” trong tuần tới được chờ đợi sẽ hiện thực hóa được những tia hy vọng đó.


Nguyệt Minh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn