Một phụ nữ ở Quảng Nam tử vong do mắc bệnh Whitmore

23-10-2023 14:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một bệnh nhân nữ tại Quảng Nam vừa tử vong, nguyên nhân được xác định nhiễm bệnh Whitmore.

Trưa 23/10, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết, vừa nhận được báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam liên quan đến ca bệnh Whitmore vừa tử vong.

Theo báo cáo, trưa 11/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.V (SN 1976, trú tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.

Một bệnh nhân ở Quảng Nam tử vong do nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân có mắc kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm; biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.

Bệnh nhân được chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, X-quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đờm... Tuy nhiên do bệnh viện chưa thực hiện được cấy máu và cấy đờm nên phải gửi mẫu thực hiện tại Trường Đại học Phan Châu Trinh.

Đến 16h45 ngày 11/10/2023, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp. Bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Đến ngày 14/10/2023, Bệnh viện Bình An Quảng Nam nhận được kết quả cấy máu và cấy đờm của bệnh nhân N.T.T.V gửi về với kết quả bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei.

Theo đại diện Sở Y tế Quảng Nam, bệnh Whitmore (còn được gọi Melioidosis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Đường xâm nhập vào cơ thể người của loại vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường gặp nhất là qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng. 

Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh Whitmore được Bộ Y tế đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu.

Bệnh Whitmore là gì? Biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh tránh tử vongBệnh Whitmore là gì? Biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh tránh tử vong

SKĐS - Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas Pseudomallei) đã bị lãng quên, nhưng mới đây đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đột quỵ do tự ý dùng thuốc chống đông máu.


Tuệ Lâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn