Một phụ nữ bỏng nặng vì xoá xăm, bác sĩ cảnh báo dễ mắc bệnh truyền nhiễm khi xăm

04-12-2018 17:20 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chị Đỗ Thị Q. (quê ở Thanh Hoá) vừa phải nhập viện vì bị bỏng nặng độ 3 vùng cẳng chân trái sau khi tiến hành xoá xăm bằng laser. Các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro tiềm ẩn khi xăm "thẩm mỹ vườn" và xoá xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.

Bệnh nhân nhập viện đa khoa Đức giang trong tình trạng bị bỏng nặng vùng cẳng chân trái, chảy dịch, loét rộng và sâu lộ gân cơ đau nhiều sưng phù cẳng chân, bàn chân, sưng lan lên đùi. Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng độ 3 vùng cẳng chân trái.

Tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện, chị Q. được thay băng bôi thuốc mỡ bỏng (bạc), điều trị tiêm truyền chống viêm, bù dịch. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định vết bỏng không sưng, chảy dịch ít.

Được biết, trước khi vào viện 5 ngày bệnh nhân có đến một thẩm mỹ viện tư nhân để xóa vết xăm bằng laser ở cẳng chân trái. Nhưng trong quá trình xóa xăm bệnh nhân có bị bỏng laser, do chủ quan chị Q. đi về nhà hôm sau phát hiện chỗ đốt bằng laser bị phồng rát. Quay lại thẩm mỹ viện thì tại đây nhân viên chỉ cho bệnh nhân kháng sinh và thuốc mỡ bôi tetracycline.

Bác sĩ Đồng Thanh Thiện – khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho hay: “Vùng cẳng chân bệnh nhân đã có những vùng hoại tử, da thâm đen, loét chảy dịch lẫn máu. Nếu không vào viện điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ hoại tử nặng có thể lan sau gây viêm xương cẳng chân và ảnh hưởng chức năng vận động và thẩm mỹ vùng cẳng chân".

Vết bỏng chân bệnh nhân trước và sau khi được điều trị.

 

Theo các bác sĩ, hiện nay, xóa xăm bằng laser là phương pháp phổ biến nhất. Cơ chế của phương pháp này là dùng laser để phá vỡ sự liên kết giữa các phần mực xăm, sau đó các mảnh nhỏ li ti sẽ thẩm thấu vào da, rồi được đào thải ra ngoài theo cơ chế bài tiết tự nhiên. Sau những liệu trình xóa xăm, bạn có thể bị chảy máu, bị sưng tấy, phải chịu đau đớn suốt nhiều tuần, thậm chí phải kiêng tắm gội, kiêng dùng hóa chất vùng da đã điều trị bằng laser.

Bác sĩ Đồng Thanh Thiện khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ cơ sở y tế có uy tín, cũng như phương pháp xóa xăm an toàn đối với bản thân mình. Với trường hợp có hình xăm lớn nên xóa thành nhiều lần, không nên xóa một lần. Nếu có dấu hiệu bất thường người bệnh phải đi khám ngay.

Dễ rước bệnh truyền nhiễm khi xăm thẩm mỹ

Hiện nay rộ lên trào lưu phun xăm môi, mắt, lông mày... tại các cơ sở làm đẹp từ bình dân đến cao cấp. Tại BV Da liễu Trung ương thời gian gần đây có rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện "cầu cứu" bác sĩ vì bị biến chứng sau làm đẹp, trong đó có các biến chứng liên quan đến phun xăm môi, lông mày,...

ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng khoa Laser và săn sóc da, BV Da liễu Trung ương cho biết, xăm là thủ thuật xâm lấn, người ta có thể dùng vật sắc nhọn, kim, hoặc cao cấp hơn là dùng máy xăm để đưa chất mực vào trong da của bệnh nhân. Mục đích của xăm, ngoại trừ vấn đề về tôn giáo, liên quan đến tín ngưỡng, tập tục và lễ nghi thì đa số là xăm thẩm mỹ.

Tuy đây là một thủ thuật không quá khó nhưng để tạo được hình khối, đường nét, màu mực thẩm mỹ thì không hề đơn giản. Và điều đáng nói là có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn khi người dân thực hiện phun xăm thẩm mỹ ở những cơ sở thiếu chuyên môn, nghiệp vụ.

Biến chứng sau khi xăm môi làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện y tế.


ThS. Sơn phân tích: Rủi ro hay gặp nhất là rủi ro về nhiễm trùng, nếu làm thủ thuật này trong môi trường không được vô trùng thì rất dễ bị nhiễm trùng (hay nhiễm nhất là Herpes), lây nhiễm viêm gan B, HIV. Ngoài ra, các khuẩn liên cầu tụ cầu, tình trạng viêm mủ trên da cũng rất dễ gặp phải ở những người phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.

Nguy cơ thứ 2 là tạo sẹo, bản chất của xăm là thủ thuật xâm lấn nên có nguy cơ nhất định về sẹo, đặc biệt những trường hợp bị nhiễm trùng dễ để lại sẹo xấu. Tuy nhiên, việc tạo sẹo ở mỗi người là khác nhau, và tuỳ từng vị trí cơ thể chẳng hạn vùng góc hàm, ngực, vai dễ bị sẹo lồi hơn là vùng mặt, mắt, môi.

Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đó đặc biệt đáng sợ là sốc phản vệ. Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt. Một số người sau xăm môi liên tục gây tình trạng khô môi bong vảy, tạo hạt nhỏ, u hạt quanh vùng xăm do cơ thể phản ứng lại mực xăm đó, đây là phản ứng chậm.

Còn các phản ứng xảy ra nhanh như phản ứng ngoài da nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hoá, tai biến, hôn mê. Đặc biệt đáng sợ nhất là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

ThS. Sơn khuyến cáo, trước khi thực hiện làm đẹp, đặc biệt trong những trường hợp thủ thuật xâm lấn vào cơ thể, người dân cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện dịch vụ trong điều kiện vô trùng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn