Một chữ Tâm với đời

13-06-2010 09:10 | Xã hội

"Cha mẹ đặt tên tôi là Tâm chỉ với một mong muốn: tôi lớn lên, trưởng thành có một trái tim, một tấm lòng biết yêu thương và chia sẻ với cuộc đời.

"Cha mẹ đặt tên tôi là Tâm chỉ với một mong muốn: tôi lớn lên, trưởng thành có một trái tim, một tấm lòng biết yêu thương và chia sẻ với cuộc đời. Tôi chỉ muốn góp phần nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau cho những số phận kém may mắn hơn mình…". Lời chia sẻ chân thành của một phụ nữ hơn nửa cuộc đời làm từ thiện đã làm tôi thực sự xúc động và cảm phục…

Từ mẫu của những trẻ em nghèo

Những ngày cuối tháng 5, những đứa trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương háo hức chờ đón ngày Tết thiếu nhi 1/6. Thường thì những ngày này sẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà cho các cháu. Trong số các đoàn làm từ thiện ấy, tôi ngạc nhiên và để ý đến một người phụ nữ. Chị cũng đến thăm, tặng quà cùng tiền cho các cháu và gia đình nhưng rất lặng lẽ, đến và đi không ồn ào, náo nhiệt với cả dàn nhân viên, phóng viên báo chí, quay phim, chụp ảnh... Cả cách chị bế trên tay các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo với sự xót xa, thương cảm như tấm lòng của một người mẹ đối với đứa con nhỏ của mình. Và chị ngồi hàng giờ bên các em nhỏ để hướng dẫn chúng chơi đồ chơi, nhẹ nhàng lau những giọt mồ hôi trên má các em. Với nụ cười hiền hậu, chị ân cần thăm hỏi, động viên và trao tận tay cha mẹ các em những món quà và số tiền nhỏ với mong muốn góp phần san sẻ những khó khăn của gia đình để giúp các cháu chữa bệnh.

 Dù bận bịu với công việc ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị chị Tâm vẫn dành thời gian đọc truyện tranh cho các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Được biết hằng năm, cứ vào những ngày 1/6, Trung thu, các dịp Tết, chị đều dành thời gian đến các bệnh viện, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa để thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền cho các em. Chị tâm sự: “Các cháu mồ côi hay bị bệnh tật rất thiệt thòi. Ngoài những khó khăn trong cuộc sống, các cháu hầu như chưa bao giờ được vui chơi, được nhận quà như các em nhỏ may mắn khác. Cho nên những dịp như thế này, mình đến với các cháu, tặng quà và vui chơi cùng các cháu cho các cháu cũng được hưởng niềm vui, tình thương yêu, giúp các cháu phần nào vơi đi những mặc cảm và nỗi đau bệnh tật”.

Hình ảnh chị Tâm đã trở thành người mẹ thân thiết với nhiều em nhỏ ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi như Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa thành phố Huế, Trung tâm chăm sóc trẻ em mồ côi Sóc Sơn (Hà Nội), Bệnh viện Nhi Trung ương... Có lẽ trong tâm hồn của các em, chị như một người chị, người mẹ dịu hiền mang đến cho các em tình yêu thương và niềm tin nhiều hơn ở ngày mai.

Lá thư của cậu bé tật nguyền và giọt nước mắt hạnh phúc

Năm 1985, từ Thanh Hóa, chị theo chồng chuyển công tác ra Hà Nội. Trong thời buổi kinh tế đất nước khó khăn, hai vợ chồng chị vừa lo ổn định công việc vừa chật vật lo cho 3 đứa con ăn học. Chị kể: Một lần đọc tờ báo Công an nhân dân có đăng một trường hợp cần giúp đỡ. Đó là một cậu bé nghèo ở Nghệ An, bố mẹ chết sớm, cậu ở với chú, nhưng người chú cũng quá nghèo, sức khỏe lại yếu không đủ sức nuôi và chăm sóc cho đứa cháu bị tật nguyền (cậu đã bị liệt do bệnh tật). Cậu bé chỉ ước mơ mình được đi học tiếp. Hình ảnh cậu bé tật nguyền, người gầy đét nhưng có đôi mắt sáng làm chị xúc động. Chị đã rơi nước mắt khi nghĩ đến và so sánh với 3 đứa con mình, dù gia đình chị còn khó khăn nhưng chúng cũng còn lành lặn, khỏe mạnh và được đi học. Hơn 200 nghìn đồng tiền lương thời ấy trong túi vừa lĩnh, chị quyết định bớt lại vài chục lẻ và bỏ vào phong bì ra bưu điện gửi theo địa chỉ đến tận nhà cho cậu bé ấy.

Hai tháng sau, chị nhận được một lá thư từ Nghệ An. Cậu bé ấy viết thư cảm ơn gia đình chị và nói số tiền ấy chú cậu dành để mua thuốc chữa bệnh cho cậu. Cậu mong ước một ngày nào đó được ra Hà Nội thăm chị. Chị đã khóc vì xúc động!

Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, chị luôn dành thời gian, tâm huyết, tiền bạc và vận động gia đình, bạn bè, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, hỗ trợ thiết bị học tập, cấp học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và các em nhỏ bị bệnh tật hiểm nghèo...

 "Mẹ Tâm" phát quà Trung thu cho các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa TP. Huế.

"Mẹ đã dạy tôi biết yêu thương và chia sẻ"

Người Thanh Hoá có câu: "Nhất Gia, nhì Xương", có nghĩa là chẳng có nơi nào nghèo hơn hai vùng đất Tĩnh Gia và Quảng Xương. Đặc biệt, cái "nhất Gia" (Tĩnh Gia) ấy lại là quê hương của chị.

Ngày ấy quê chị nghèo lắm, người dân quanh năm lam lũ với đồng đất mà vẫn không đủ thóc ăn. Chị em chị thì may mắn hơn một chút, cha mẹ chị ngoài việc đồng áng còn cố gắng chạy chợ kiếm thêm được vài đồng để con cái đủ miếng ăn. Với gánh hàng xén lèo tèo của mẹ bán ở chợ Còng mà hai chị em chị được đến trường.

Chị nhớ mãi một kỷ niệm, khi ấy chị còn là cô bé 12 tuổi, cái tuổi đã bắt đầu biết làm điệu. Có lần chị xin mẹ mua cho cái cặp tóc rất đẹp mà chị đã nhìn thấy ở ngoài chợ huyện. Mẹ nói, mẹ cần dành tiền nuôi chị ăn học. Nhưng ngay sau đó, chị thấy mẹ giúi cho cô hàng xóm một ít tiền vì thấy con cô ốm phải mua thuốc. Rồi cứ lần lượt chị vẫn thấy mẹ cho tiền và gạo những nhà xung quanh. Chị cảm thấy tủi thân và bực tức. Trong suy nghĩ của chị lúc ấy, mẹ không thương mình. Chị khóc lóc, dỗi hờn và trách mẹ, tại sao người ngoài mẹ vẫn cho tiền, cho gạo, còn con gái mẹ có mỗi cái cặp tóc mà mẹ không mua cho? Lúc ấy mẹ chỉ ôm chị vào lòng rồi thủ thỉ: “Con gái yêu của mẹ xinh lắm! Mẹ chưa mua cho con cặp mới vì cái cặp con đang dùng vẫn còn tốt. Con hãy nhìn xung quanh các bạn của con, nhiều bạn gia đình còn khó khăn hơn gia đình mình, quần áo còn chưa đủ mặc làm sao có tiền mua cặp tóc như con, các bạn còn không được đi học như con. Con phải biết thương yêu, chia sẻ với những người đó. Sống ở trên đời, cái đáng quý là ở tấm lòng. Cha mẹ đặt tên cho con là Tâm cũng vì lẽ ấy!”.

Tâm nguyện cả cuộc đời

Với tất cả những gì đã làm nhưng chị Tâm luôn cảm thấy mình cần phải có nhiều sức lực hơn nữa để làm việc, để được đi và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Đã sang cái tuổi 60 nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư và truyền thông Kinh Đô (Hà Nội), mặc dù công việc bộn bề, nhưng chị luôn dành thời gian, tâm huyết và sức lực của mình để làm công việc là đi đến bất cứ nơi nào bị ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh để giúp đỡ trong điều kiện có thể. Chị tâm niệm: Không nên đợi có thật nhiều tiền hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi mới có thể tham gia vào công tác từ thiện, mà bất cứ lúc nào có cơ hội cũng có thể góp sức mình để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng quý vẫn là ở tấm lòng, ở cái tâm của mình.

Ngồi trước mặt tôi, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vẫn trò chuyện với ánh mắt sáng ngời khi kể về những gia đình, những hoàn cảnh đã vượt qua được khó khăn, hay những cháu nhỏ đã điều trị khỏi bệnh nhờ có sự giúp đỡ của chị, bạn bè chị và các nhà hảo tâm khác. Nhưng đôi lúc, ánh mắt ấy lại buồn, chị vẫn chạnh lòng, vẫn day dứt một tâm nguyện vì cuộc đời này còn quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, quá nhiều nỗi bất hạnh mà chị chưa thể giúp đỡ. Chị nói với tôi, chị mong muốn đứng ra thành lập một quỹ từ thiện với cái tên "Vòng tay phượng hồng" để giúp đỡ những người nghèo khổ không may mắn mắc các bệnh như ung thư, bệnh thận phải chạy thận nhân tạo, các cháu nhỏ bị tim bẩm sinh hay bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ... Người phụ nữ ấy muốn dang đôi tay của mình nối với những vòng tay nhân ái khác để giúp đỡ những mảnh đời ấy và chị cần có sự góp sức của các tổ chức, các nhà hảo tâm để có thể thực hiện được ước nguyện đó.

Dương Thanh Hoàn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn