Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời tại nhà riêng ngày 29/6 vì bệnh tuổi già. Ở cạnh và chăm sóc ông những ngày cuối đời là vợ - nghệ sĩ Phi Điểu. Bà con lối xóm và đồng nghiệp nhiều thế hệ đều ngưỡng mộ tình yêu đẹp của cặp nghệ sĩ trưởng thành từ đoàn văn công giải phóng những năm 1950.
Nghệ sĩ Phi Điểu kém chồng ba tuổi. Bà quê gốc An Giang nhưng sinh trưởng tại Campuchia, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cùng sinh hoạt trong đoàn văn công giải phóng miền Nam tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Phan Nhân đã cảm mến cô học trò Phi Điểu. Nhờ sự tác hợp của đồng đội, họ nên vợ nên chồng. "Đám cưới được tổ chức giữa lán trại trong rừng, chỉ có ít nước chè và bánh kẹo. Khi đó, chúng tôi đang đóng quân tại miền Trung. Toàn anh em văn nghệ tham gia nên đám cưới giản dị mà vui", nghệ sĩ Phi Điểu nhớ lại.
Những năm 1970, trong hoàn cảnh chiến tranh leo thang khốc liệt ở miền Bắc, hai vợ chồng thường xuyên xa cách. Trong khi Phan Nhân rong ruổi khắp đất nước để gây dựng phong trào văn nghệ hoặc đi nước ngoài học tập, công tác thì vợ ông ở lại nơi tập kết, vừa nuôi con đầu lòng vừa tiếp tục nhiệm vụ người lính. Lúc này, nghệ sĩ Phi Điểu là phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà cũng thường xuyên di chuyển qua các điểm sơ tán. Nhiều lần,bà phải gửi con để làm nhiệm vụ. Những khó khăn trước mắt không làm chùn bước đôi vợ chồng bởi dù xa cách, họ thường xuyên thư từ động viên, thăm hỏi, mang niềm tin đến cho nhau.
"Trong chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước cao hơn tình cảm cá nhân. Chúng tôi đã động viên nhau, gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để gia đình sớm đoàn tụ", nghệ sĩ Phi Điểu nói.
Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Nhân - Phi Điểu quay lại Sài Gòn công tác trong Đài phát thanh TP HCM. Lúc này, nhạc sĩ vẫn ôm đàn đi khắp các tỉnh Nam bộ gây dựng phong trào văn nghệ những ngày đầu giải phóng. Chỉ đến khi gần về hưu, làm công tác biên tập âm nhạc cho đài phát thanh, ông mới có nhiều thời gian bên gia đình.
Nhạc sĩ Phan Nhân từng chia sẻ cả cuộc đời ông chưa có sáng tác nào dành riêng cho vợ. "Thế hệ chúng tôi ngại những cách bày tỏ tình cảm trực tiếp. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ, tôn trọng công việc, sở thích của nhau, vậy là đủ". Vì suy nghĩ đó, ông cũng yên tâm và ủng hộ Phi Điểu theo đuổi những việc yêu thích như đóng phim, làm từ thiện... Theo nhạc sĩ, chính sự đảm đang cùng tấm lòng yêu thương, chung thủy của nữ nghệ sĩ tạo nên sợi dây kết nối hai vợ chồng để dù sống xa nhau nhiều, họ vẫn có nhau trong tâm tưởng.
Không xuất hiện trong sáng tác của chồng, nhưng Phi Điểu luôn là người đầu tiên lắng nghe, cho ý kiến mỗi khi ông hoàn thành một ca khúc mới. Sự hào hứng của bà chính là nguồn cảm hứng dồi dào để ông viết nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích, trong đó có bài Tình bạn già. Dù không đề cập trực tiếp, đây được xem là ca khúc khái quát mối tình bền chặt trải qua hơn 60 năm của vợ chồng nghệ sĩ. Ca khúc mang những ca từ giản dị: Tóc bạc trắng mà vẫn bước đường xa/ Qua phong ba nhưng tình nghĩa đậm đà/ Vẫn nồng ấm nhựa sống trong lòng ta/ Yêu thương nhau tình đồng đội/ Yêu thương nhau tình đồng hương/ Vui bên nhau đời còn dài/ Vui bên nhau đường còn xa...
Càng về già, nhạc sĩ từng ví von mình giống như một đứa trẻ, lúc nào cần sự chăm sóc, động viên của vợ. Biết chồng thích ăn cháo cá lóc, những ngày không đi quay phim, nghệ sĩ phi Điểu dậy sớm, đi xe máy lên chợ Tân Định (quận 1, TP HCM) mua cá nấu cháo cho chồng. Những khi ấy, Phan Nhân vừa ngồi ngắm vợ nấu ăn, vừa loanh quanh giúp bà những việc vặt. Ngày thường, ông bà gọi nhau là "ba - má" dù đã lên chức ông bà nội, ngoại. Vợ chồng nghệ sĩ thường xuyên chở nhau trên chiếc xe đạp điện, đi thăm thú bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội.
Bước sang tuổi 85, sức khỏe nhạc sĩ Phan Nhân yếu đi nhiều. Ông bị bệnh tim, phổi và nhiều căn bệnh tuổi già khác. Những ngày chồng nhập viện, NSƯT Phi Điểu tạm gác việc quay phim, tự tay chăm miếng ăn, giấc ngủ cho người bạn đời. Bà cũng giữ bình tĩnh, đích thân chu toàn việc chăm sóc cho chồng trong những ngày cuối đời khi ông được chuyển từ bệnh viện về nhà.
hâu Mỹ