Một bệnh nhân nữ chừng 24 - 25 tuổi bước phòng mạch với vẻ mặt lo âu. Cùng vào với cô ta, tôi ngửi thấy một mùi hôi không thể chịu nổi giống như mùi chuột chết đâu đó mặc dầu tôi đang mang khẩu trang.
Cô gái nói bác sĩ ơi giúp em với, thời gian gần đây ai cũng xa lánh em vì không chịu nổi mùi hôi bốc ra từ em, mặc dầu bản thân em không ngửi thấy mùi hôi. Lúc đầu bị mọi người tránh xa em không hiểu vì sao, nhưng sau đó những người thân trong nhà đã nói thật và khuyên em đi khám xem bị bệnh gì.
Đúng như tôi dự đoán: cô gái bị bệnh trĩ mũi. Cô thường bị viêm mũi, viêm lâu ngày đến giai đoạn viêm mũi quá phát điều trị thuốc không còn tác dụng nữa vì vậy đã được điều trị cắt cuốn mũi dưới để thở được. Sau phẫu thuật một thời gian, mũi cô thường xuyên ra vảy dơ, vảy mỗi ngày một nhiều và gần đây bắt đầu có mùi hôi khó chịu. Cô gái đã bị bệnh trĩ mũi thứ phát.
Trĩ mũi (ozene) hay còn gọi là bệnh viêm mũi teo (atrophic rhinitis) là một bệnh không phổ biến. Tỉ lệ mắc bệnh là 1/1.000 người. Có trĩ mũi nguyên phát và thứ phát.
Trĩ mũi nguyên phát ở hầu hết các trường hợp là do vi trùng Klebsiella ozenae. Loại bệnh này vẫn còn phổ biến ở các vùng khô cằn của thế giới, như ở các nước Trung Đông, và cũng thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập.
Trĩ mũi thứ phát là hình thức thường gặp của bệnh này ở các nước phát triển. Nguyên nhân phổ biến nhất là phẫu thuật xoang, tiếp đến là do tia xạ, chấn thương, và các bệnh u hạt hoặc nhiễm trùng. Trong một số nghiên cứu, phẫu thuật xoang một mình chiếm gần 90% các ca trĩ mũi thứ phát. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến như cắt cuốn mũi toàn phần và bán phần (80%), phẫu thuật xoang không cắt cuốn mũi (10%), và phẫu thuật cắt bỏ xương hàm trên (maxillectomy (6%). Mặc dù nhiễm trùng có thể không phải là tác nhân gây bệnh viêm mũi teo thứ phát, sự bội nhiễm hiện diện không đổi, và là nguyên nhân của việc tiết dịch, đóng vảy, và mùi hôi. Trong những trường hợp này, có một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhiễm trùng thứ phát. Các nguyên nhân khác được biết đến là xạ trị mũi và xoang (2 - 3%), và chấn thương mũi (1%).
Bệnh trĩ mũi thường thấy ở phụ nữ trẻ, với biểu hiện viêm mũi kéo dài, xì ra mủ vàng xanh thành cục, mùi vừa tanh vừa thối. Kèm theo mủ là rất nhiều vảy đọng trong hốc mũi, các vảy này dễ gỡ bỏ, mùi rất thối làm cho những người xung quanh khó chịu. Bệnh nhân mất đi chức năng ngửi nên không biết được tình trạng này.
Người bệnh có cảm giác ngạt tắc mũi thường xuyên mặc dù mũi rất thông thoáng. Một số bệnh nhân thấy nhức đầu, ù tai, khô họng… Khám thấy hốc mũi rộng thênh thang, niêm mạc mũi mỏng, rất nhợt nhạt, dính vào xương. Các cuốn mũi khô và teo lại, có thể nhìn thấy tận vòm mũi họng (bình thường không thể quan sát được khi khám).
Đối với bệnh này thường có nhiều phương thức điều trị, có thể điều trị tại chỗ (rửa mũi), toàn thân (uống thuốc kháng sinh, vitamin A), hay phẫu thuật (bịt cửa mũi, làm hẹp hốc mũi). Vì các trường hợp bệnh này rất hiếm, nên đến nay vẫn không có một phương thức nào được đề nghị là phương thức điều trị chính thức. Việc điều trị phải phù hợp với nhu cầu hoặc mong muốn của bệnh nhân. Trĩ mũi đã được ghi nhận khỏi hoặc làm giảm đáng kể các triệu chứng sau 50 tuổi.
TTƯT.BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY