Hà Nội

Bất động sản tăng nóng có phải do môi giới ‘thổi giá’?

01-11-2024 16:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản tăng nóng thời gian qua có một phần của những "tay" đầu cơ, thổi giá nhằm "lướt sóng", kiếm chênh lệch.

Ngày 1/11, thông tin từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản có hành vi cấu kết, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường.

Tuy nhiên, thực tế môi giới bất động sản đóng vai trò kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản - (bên cung) và khách hàng/nhà đầu tư (bên cầu) trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê bất động sản.

Chia sẻ về vấn đề này tại cuộc họp báo xoay quanh chuyện môi giới có phải nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bán sản phẩm bất động sản là quyền của chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bất động sản.

Bất động sản tăng nóng có phải do môi giới ‘thổi giá’?- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VARS

Do đó, chủ thể cần xác định giá bán, có quyền xác định giá bán là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm. Bán giá cao hay thấp, là tùy vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, tại từng thời điểm nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.

"Giá bán bất động sản càng cao, môi giới bất động sản càng gặp khó khăn. Hơn ai hết, môi giới bất động sản chính là người mong muốn giá bán bất động sản được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng", Chủ tịch VARS cho hay.

Theo ông Đính, thời gian vừa qua, câu chuyện về giá bán bất động sản luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận toàn xã hội. Không chỉ với căn hộ chung cư mà biệt thự, liền kề, đất đấu giá cũng lần lượt được gọi tên. Người dân choáng váng vì mỗi lúc giá bán bất động sản lại bị đẩy lên cao.

Ông Đính cho rằng, trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung- cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm "lướt sóng", kiếm chênh lệch.

"Cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những "tay đầu cơ", có tài chính. Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường. Và ngay khi nhận thấy cơ hội, họ "liều lĩnh chốt deal", để rồi găm hàng, tìm "mồi ngon" và sang tên, hưởng chênh lệch. Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới bất động sản. Bởi môi giới bất động sản làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để ôm hàng, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ để điểm mặt, đặt tên, chứ chưa nói đến nguy cơ "tạo sóng" hay lũng đoạn thị trường", ông Đính cho hay.

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho rằng, xu hướng tăng giá bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường. Thị trường bất động sản bao gồm ba chủ thể chính là chủ đầu tư, môi giới và người mua. Nhưng câu chuyện đẩy giá lại quy chụp hoàn toàn do môi giới là bất hợp lý.

Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, ông Chung khẳng định, giá bất động sản tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá. Chi phí đầu tư tăng cao, nhu cầu mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận. Bản thân người môi giới không có khả năng can thiệp về mức giá của thị trường.

Xem thêm video được quan tâm:

 Tử hình Tạ Duy Khanh, kẻ sát hại, phi tang cô gái trẻ xuống sông Hồng vì món nợ 60 triệu


Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn