Sau hai năm chờ đợi, bộ phim chuyển thể từ cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chính thức ra mắt khán giả với tên gọi "Đừng đốt". Những buổi công chiếu tại Hà Nội đã được đông đảo công chúng đón nhận. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với diễn viên Minh Hương (trong vai bác sĩ Thùy).
Cảm giác của Minh Hương thế nào khi lần đầu tiên xem hoàn thiện bộ phim này?
Mặc dù theo đoàn làm phim suốt từ khi bắt đầu bấm máy đến tận lúc làm hậu kỳ, lồng tiếng nhưng giờ đây, sau khi được xem hoàn chỉnh cả bộ phim, tôi rất xúc động. Bởi lẽ, đây là lần đầu mình được xem lại diễn biến, chi tiết từng cảnh của bộ phim theo tuần tự, lại có sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng. Trong quá trình thưởng thức bộ phim với tư cách một khán giả, những kỷ niệm sống động suốt quá trình đóng phim của tôi với mọi người cứ lần lượt sống lại, từng cảnh, từng cảnh một. Tôi cũng cảm nhận thấy, bộ phim đã truyền tải được tất cả ý đồ của đạo diễn và tinh thần của cuốn nhật ký.
Minh Hương trong vai BS. Thùy. |
Khi được nhận vai, chị có phải chịu áp lực và khả năng diễn xuất của mình không vì mình thuộc một thế hệ khác hẳn với bác sĩ Thùy?
Có chứ. Dù sao tôi cũng sinh ra sau chiến tranh, thuộc thế hệ 8X và không biết gì về chiến tranh. Cuốn nhật ký của cô Thùy rất nổi tiếng, được nhiều người đọc nên Hương bị áp lực phải diễn sao để khi lên phim, khán giả vẫn cảm thấy hài lòng, ít nhất là trong đó có phần này, phần kia của bác sĩ Thùy Trâm mà họ yêu quý. Chính vì vậy khi nhận được lời mời diễn, Tôi đã đến gặp gia đình cô Thùy để tìm hiểu về cô. Tôi cũng đọc đi đọc lại cuốn nhật ký, tìm hiểu đời sống, tâm tư, suy nghĩ của lớp thanh niên thế hệ ấy qua nhiều câu chuyện... Mặc dù được coi là có ngoại hình thuận lợi, nhưng đối với tôi, cũng như yêu cầu của đạo diễn Đặng Nhật Minh, diễn là phải làm sao để toát lên được vẻ đẹp tâm hồn của bác sĩ Thùy, vì hình thức không phải là quan trọng nhất ở đây mà chính là nội tâm.
Nhiều người cũng nói với tôi là làm việc với đạo diễn Đặng Nhật Minh thì áp lực lắm vì đạo diễn yêu cầu cao. Nhưng tôi lại cảm thấy rất may mắn, vinh dự. Vì vậy, tôi đã rất cố gắng để không bị đạo diễn "mắng mỏ" lần nào trong suốt quá trình làm phim.
Bộ phim có rất nhiều cảnh xúc động, chị có nhớ mình đã diễn những cảnh đó thế nào không?
Trong phim này, tôi luôn luôn khóc thật vì các cảnh đều thực sự xúc động. Ví dụ như cảnh quay anh chiến sĩ bị bỏng bom, khi kíp hóa trang làm xong, tôi nhìn từ xa đã thấy như một người bỏng thật sự. Và chỉ thế thôi là đã cảm thấy thương, nước mắt đã trào ra.
Nếu cho chị diễn lại, chị có nghĩ mình sẽ diễn tốt hơn không?
Tôi cảm thấy hài lòng về vai diễn này của mình. Nếu có được diễn lại thì có thể lại là một cô Thùy khác hơn một chút nữa ở điểm này, điểm khác. Vì trong mỗi lần diễn, tâm trạng khác nhau, cảm nhận khác nhau, yêu cầu khác nhau, thì sẽ ra một nhân vật có tiêu chuẩn khác.
Chị đánh giá thế nào về chất lượng nghệ thuật của bộ phim so với những bộ phim về chiến tranh được sản xuất gần đây ở Việt Nam?
Cái này quả thực tôi không dám so sánh hay đánh giá. Từ góc độ một khán giả thưởng thức phim, tôi chỉ cảm nhận được Đừng đốt là một bộ phim hấp dẫn và tỉ mỉ. Bộ phim nhiều hình ảnh, ít lời thoại, ít "sạn" trong diễn xuất cũng như bối cảnh, phục trang, dàn dựng. Và tôi cũng rất vui khi khán giả hài lòng với bộ phim này.
Cảm ơn chị!
Hà Hải (thực hiện)