Theo cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên dạy Ngữ văn Trường Marie Curie Hà Nội, cấu trúc đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Bởi vậy, để đạt được điểm số cao, học sinh cần nắm chắc các kiến thức trọng tâm, không để mất điểm những chỗ đáng tiếc.
"Điều đầu tiên là các em học sinh không được bỏ bất kỳ câu nào trong đề. Quan trọng là kiến thức và căn thời gian làm bài cho thật sự hợp lý. Câu nào điểm cao các em cần đầu tư thời gian hơn, câu nào điểm thấp dù có tâm đắc thì cũng không nên dành thời gian cho câu đó.
Nếu các em nắm chắc phương pháp làm bài, đi đúng từng bước thì xác suất mất điểm sẽ rất ít", cô Tâm khuyên.
Còn theo cô Phạm Thị Hồng Hạnh - người có nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), khi các em làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các em thí sinh nên biết cách phân bổ thời gian làm bài cho từng phần. Phần đọc hiểu nên dành khoảng 20 phút để xử lý. Câu hỏi nhận biết phần này cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, trúng các từ khóa. Câu hỏi thông hiểu đòi hỏi các em phải biết giải thích và hiểu ý nghĩa minh xác của ngữ liệu đã cho.
Phần nghị luận xã hội, thí sinh nên làm trong khoảng 25 phút. Các em phải có kỹ năng lập luận, hiểu biết về đời sống thực tế, lấy dẫn chứng mang tính thời sự, mới mẻ và tấm gương điển hình trong xã hội.
Theo cô Hạnh, khi viết đoạn văn, các em cần sử dụng thao tác lập luận phù hợp với từng kiểu bài về tư tưởng đạo lý, hay hiện tượng trong đời sống. Trong đó có phần giải thích, dẫn chứng, phân tích, bàn luận và bài học nhận thức, hành động cụ thể ra sao. Các em cần sử dụng thao tác lập luận phù hợp với từng kiểu bài. "Từ các từ khóa chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của cả câu nói bằng cách giải thích, phân tích rõ ràng. Các em phải biết chia nhỏ vấn đề để xem xét từng khía cạnh như lợi - hại, tốt - xấu, ủng hộ - phản đối. Sau khi đã phân tích, bàn luận sẽ tìm ra những bài học rút ra từ vấn đề đó và hành động từ bản thân".
Đối với phần nghị luận văn học, các em phải nắm được nét chính về đặc trưng thể loại (ký, truyện ngắn, thơ, tùy bút...). Các em cần bám vào các hình ảnh, biện pháp tu từ, ý nghĩa biểu tượng của thơ. Sau khi cảm thụ được cái hay cái đẹp của thơ ca, thí sinh phải biết khái quát, tổng hợp và đánh giá để nói lên giá trị của tác phẩm.
Trường hợp đề thi yêu cầu phân tích một đoạn thơ, học sinh cần phân tích được những giá trị thẩm mỹ và nội dung để làm rõ những thông điệp của tác giả. Với văn xuôi, các em phải nắm được cốt truyện và nhân vật, tình huống truyện. Những câu văn hay, chi tiết tiêu biểu sẽ biểu đạt số phận, cuộc đời, tính cách nhân vật và ý đồ của nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.
Tiếp đó, học sinh cần thể hiện rõ được luận điểm của mình về đoạn thơ/văn xuôi mà đề bài yêu cầu. Các em cần vận dụng kiến thức cơ bản để phân tích một khía cạnh nào đó của chủ thể văn học. Mỗi câu văn, ý thơ thể hiện một đặc điểm riêng. Đặc biệt, các em phải bám sát đề bài chứ không nên phân tích lan man, dễ bị lạc đề.
"Các em thí sinh khi làm bài cần chú ý, phần mở bài không nên giới thiệu quá nhiều về tác giả, các em phải bám vào đoạn trích đề bài ra để viết trúng và đúng. Phần thân bài phải bao gồm các đoạn văn rõ ràng. Ở câu hỏi dạng vận dụng cao cũng thường không nằm ngoài nội dung ý nghĩa của tác phẩm, thí sinh phải nắm được nội dung tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả", cô Hạnh khuyên.