Ma lực đồng tiền và cuộc chiến chống tham nhũng

21-08-2009 10:58 | Quốc tế
google news

Cuộc chiến chống tham nhũng là một trong những cuộc chiến lâu dài và dai dẳng nhất của nhân loại bởi không phải ở đâu và lúc nào con người cũng giữ được bản tính "nhân chi sơ tính bản thiện" của mình.

Cuộc chiến chống tham nhũng là một trong những cuộc chiến lâu dài và dai dẳng nhất của nhân loại bởi không phải ở đâu và lúc nào con người cũng giữ được bản tính "nhân chi sơ tính bản thiện" của mình. "Dịch bệnh" tham nhũng đã không loại trừ bất cứ một châu lục, quốc gia nào. Tuy nhiên những vụ tham nhũng đình đám nhất là những vụ liên quan đến các ông lớn, các quan chức vào hàng cao cấp nhất của một quốc gia...

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay, trong khi người dân đang phải "thắt lưng buộc bụng", tình hình việc làm ngày một bấp bênh thì ở nơi được cho là đang sử dụng những đồng tiền đóng góp của dân, người ta lại tiêu xài hoang phí, hay thậm chí ki cóp cho người thân trong gia đình. Mới đây nhất, Cơ quan kiểm toán độc lập của Pháp đã có một công bố gây sốc đối với người dân Pháp khi cho biết Điện Elysée mỗi năm "ngốn" tới 394.000 USD tương đương 1.000 USD/ngày chỉ để mua... hoa trang trí, hay để chi trả cho những vé phạt do nộp chậm các khoản tiền điện nước của hai vợ chồng Tổng thống. Mỗi năm khoản chi phí này của Điện Elysée cũng phải hơn 4.000 USD.

 Cán cân quyền lực bị chao đảo trước ma lực của đồng tiền.
Tại Đông Timor, Thủ tướng Gusmao đang vướng phải một cáo buộc tham nhũng do ông đã phê chuẩn một hợp đồng cung cấp gạo trị giá 3,5 triệu USD cho Công ty Prima Food mà trong đó, con gái ông là một cổ đông chính. Rất có thể biến cố này sẽ làm lung lay chiếc ghế chính trị của ông.

Quả đúng là "đồng tiền làm mờ mắt", thậm chí mờ cả uy tín chính trị và danh dự cá nhân. Chính phủ Mỹ vừa ra tay can thiệp một vụ tham nhũng như thế. Danh sách lên tới hơn 40 người. Chúng đã không từ một hình thức hay thủ đoạn nào để có tiền, kể cả buôn bán nội tạng cơ thể người. Theo tài liệu của Cơ quan điều tra Mỹ, đường dây rửa tiền, buôn bán nội tạng cơ thể người  này luôn được "bảo kê" bởi các ông lớn. Mặc dù rất nhiều người biết tình hình tham nhũng ở New Jersey, song phải sau 10 năm điều tra với hơn 300 điều tra viên sự thật mới được phơi bày. Nạn buôn bán thận ở  New Jersey được hình thành từ rất lâu và núp bóng dưới những quỹ từ thiện nhân đạo. Mỗi ca môi giới bán thận thành công, đường dây này nhận được hơn 100.000 USD trong khi chúng chỉ trả cho người bán  khoảng 10.000 USD. Chưa hết, những cáo buộc từ văn phòng công tố còn cho thấy tình trạng tham nhũng ở New Jersey đã trở nên đáng báo động. Bất cứ một hoạt động gì liên quan đến chính quyền đều phải "đi đêm" mới yên. Các nhà đầu tư, chủ dự án đã quá quen với việc này để được nhận các dự án hời từ nguồn vốn của Chính phủ... Góp mặt trong đường dây tham nhũng này có "đủ mặt anh hào", từ thị trưởng các bang, giáo sĩ Do Thái đến cả các nhân viên tư pháp trong Chính phủ Mỹ.

"Các chính trị gia sẵn sàng biến mình thành những món hàng để bán", quyền công tố viên Mỹ Ralph Marra nói. "Nạn nhân sẽ là những người dân và những người kinh doanh lương thiện nhất ở bang này. Không phải cá nhân nào cũng có điều kiện và tư cách "bảo đảm" cho các phi vụ tham nhũng, rửa tiền, buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Họ đều là những người có quyền và thế lực ở địa phương. Như vụ vợ Bộ trưởng Phát triển kinh tế Đông Timor, bà Kathleen Goncalves đã trúng các hợp đồng trị giá 11 triệu USD của Chính phủ mà bà có liên hệ với các công ty này. Theo điều tra của báo chí ít nhất có 3 công ty, trong đó 2 công ty đứng tên bà. Sau khi sự vụ xảy ra, Bộ trưởng Kinh tế Đông Timor Joao Goncalves vẫn tuyên bố không hề biết gì về các thương vụ của vợ. Ngay như giới chức thành phố ở Mexico vừa bị tóm gọn vì có liên quan cả tới buôn bán ma túy và các băng đảng tội phạm có tổ chức. 10 thị trưởng, 1 quan tòa và 16 viên chức đã bị bắt trong đợt truy quét gắt gao của chính phủ với quyết tâm dẹp yên nạn bạo lực, xã hội đen trong đời sống.

Quyết tâm dẹp nạn tham nhũng phải kể đến Chính phủ Trung Quốc. Ngoài hình phạt ở mức cao nhất là tử hình, Trung Quốc còn áp dụng những điều luật thẳng tay với người nhà, hay người thân của các quan chức lợi dụng chức vụ của người thân để kiếm tiền trái phép. Hình phạt cho vợ, con, hay thậm chí cả bồ nhí của quan tham có thể lên tới 10 năm. Tuy nhiên cuộc chiến chống tham nhũng ở các quốc gia vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu kết thúc, bởi điều đó không chỉ phụ thuộc vào chính phủ các nước.

Nguyễn Hợp (Theo ABC, Guardian)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn