Cách trung tâm thủ đô Moskva của Nga khoảng một giờ chạy xe, Bảo tàng bộ đội phòng không Nga nằm yên bình trong lòng thành phố Balashikha ở tỉnh Moskva. Giám đốc bảo tàng Yuri Knutov (I.Cnu-tốp) đã sắp xếp cho phóng viên một buổi gặp vào ngày nghỉ, để có nhiều thời gian chuyện trò hơn. Với người đàn ông này, 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là dịp đặc biệt, không chỉ với người dân Việt Nam, mà còn cả với bản thân ông và bảo tàng.
Ông Knutov ăn mặc chỉnh tề, vẻ mặt minh mẫn. Qua câu chuyện của ông, bảo tàng được khái quát sinh động. Khoảng 16 nghìn hiện vật, 400 trong số đó là những thiết bị quân sự và vũ khí thật phản ánh các giai đoạn hình thành và phát triển của lực lượng phòng không Nga. Ông Knutov tự hào về những đóng góp của lực lượng phòng không vào chiến thắng của Liên Xô (trước đây) trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như về sự tham gia của lính phòng không trong các cuộc xung đột.
Đã rất nhiều lần chia sẻ về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân, dân Việt Nam, song mỗi khi đề cập chủ đề này, ông Knutov vẫn kể với lòng nhiệt huyết tươi mới. Ông không quên dặn khách để ý tổ hợp tên lửa phòng không S-75 (mà Việt Nam thường gọi SAM-2) dựng ở cổng. Đó là một biểu tượng lớn. Theo lời ông, năm 1965, quân đội Mỹ tập trung không kích Việt Nam. Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam hệ thống S-75, cũng như tiêm kích MiG-17 và MiG-21. Các chuyên gia Liên Xô cũng sang hỗ trợ quân đội Việt Nam vận hành hệ thống. Ông Knutov khâm phục bộ đội Việt Nam, những người luôn cố gắng, chăm chỉ, nhanh chóng làm quen thiết bị và sử dụng hiệu quả hệ thống S-75, nhất là trong trận đánh Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12/1972.
Ông Knutov dừng lại ở một góc trên tầng 2, nơi ông biết có điều tôi chờ đợi. Một lá cờ lưu niệm mầu xanh nước biển treo ngay ngắn trong tủ kính, thêu dòng chữ vàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sát lá cờ in lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" dẫn đến ký kết Hiệp định Paris. Cạnh đó, rạng rỡ nụ cười của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân với chiến tích lái MiG-21 bắn rơi máy bay B-52.
Góc Việt Nam Anh hùng được sắp xếp gọn gàng. Những chi tiết về trận Điện Biên Phủ trên không hiện lên: Ngày 18/12/1972, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch “Linebacker II”, được xem là cuộc thử nghiệm mạnh mẽ nhất cho vũ khí, kỹ thuật và phương án tác chiến tiên tiến của không quân Mỹ. Ông Knutov nhấn mạnh, không quân Mỹ quyết định xóa sạch Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng sau 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ thua trận. 81 máy bay bị tiêu diệt, trong đó có 34 máy bay B-52. Năng lực chiến đấu của quân đội Việt Nam với sự hỗ trợ của hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô khiến giặc Mỹ kinh hãi.
Tôi lần theo từng hiện vật. Sự giúp đỡ tình nghĩa của Liên Xô được lưu lại qua các bức ảnh chuyên gia quân sự nước này có mặt tại nơi đặt hệ thống phòng không tại Việt Nam. Ảnh nào cũng đầy ắp những nụ cười. Góc Việt Nam ấm áp hơn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ cảm ơn các chuyên gia Liên Xô. Tại đây cũng trưng bày lá thư của một học viên quân sự với dòng chữ tâm huyết: Xin gửi tôi đến Việt Nam. Tôi muốn cầm vũ khí bảo vệ độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam anh em.
Bảo tàng cũng trưng bày cả chiếc nhẫn kỷ niệm được làm từ mảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi, hay quyết định trao huân chương tặng các đồng chí Liên Xô vì những đóng góp, giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Nổi bật là góc tôn vinh Thượng tướng Anatoly Khiupenen (A.Khiu-pê-nen), người từng giữ cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, đã cùng quân, dân Việt Nam trải qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có trận chiến 12 ngày đêm khói lửa.
Đại tá Trần Tiến Phương, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nga nhấn mạnh, các cựu chiến binh, tướng lĩnh, sĩ quan Nga ngày nay vẫn ghi nhớ, khâm phục và tự hào về những chiến công của bộ đội phòng không-không quân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không. Phía Nga rất trân trọng các kỷ vật, hiện vật từ Việt Nam. Khu vực trưng bày về Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thu hút khách tham quan bảo tàng, nhất là các em học sinh. Việc bổ sung hiện vật sẽ giúp góc Việt Nam tiếp tục nâng cao các giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa giáo dục và tuyên truyền.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cách đây 50 năm đã tiếp tục gắn kết hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga (ngày nay). Bảo tàng đã tổ chức chiếu phim, giao lưu trò chuyện để nhớ lại một thời chiến đấu anh hùng của người dân hai nước. Tiễn tôi ra về, ông Knutov mong chờ người dân Việt Nam sẽ đến thăm bảo tàng nhiều hơn. Ông muốn cả hai dân tộc cùng nỗ lực lưu giữ những sự kiện về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-LB Nga.