Loạt giải pháp giảm chi tiêu dịch vụ y tế từ túi tiền của người bệnh

08-12-2023 06:32 | Y tế

SKĐS - "Tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, có mô hình tài chính bền vững và tăng cường độ bao phủ các chính sách Bảo hiểm y tế…", đây là những giải pháp quan trọng giúp giảm chi tiền túi của người bệnh được Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra.

Giải pháp nào giảm chi tiêu dịch vụ y tế từ "tiền túi" của người bệnh luôn là vấn đề nóng được đặt ra. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa diễn ra mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm, đặt câu hỏi xung quanh vấn đề này.

Chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững

Đặt câu hỏi tai phiên chất vấn sáng 8/11 của Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có đề cập đến một mục tiêu khá cụ thể đó là làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế. Cụ thể giảm xuống dưới 35% vào năm 2025. Tuy nhiên theo đại biểu, với tình hình hiện nay, rất khó để đạt mục tiêu này.

Vậy, "Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề này?", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung "giảm chi tiền túi của nhân dân" liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.

Loạt giải pháp giảm chi tiêu dịch vụ y tế từ túi tiền của người bệnh- Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm rồi, bệnh nặng rồi nên dẫn đến chi phí cao.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, có mô hình tài chính bền vững và tăng cường độ bao phủ các chính sách Bảo hiểm y tế.

"Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Nỗ lực tìm giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng BHYT

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 8/11 tại Quốc hội, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) một lần nữa đề cập đến vấn đề "bệnh nhân đi viện phải mua thuốc bên ngoài". Theo đại biểu "Đây là chuyện cấp thiết vì xảy ra lâu rồi. Thuốc kê mua bên ngoài đắt, không phải ai cũng mua được. Người có điều kiện sẽ khác, nhưng không có điều kiện thì khó khăn. Cần giải pháp kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng bảo hiểm y tế, nhất là người nghèo", đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ đã có chỉ đạo cụ thể liên quan vấn đề này.

"Vào chiều qua (7/11 – PV), Vụ Bảo hiểm Y tế cùng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp bàn về phương án cụ thể để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương. Nội dung liên quan đến điều kiện nào người bệnh được thanh toán, điều kiện nào tránh lạm dụng đẩy người bệnh ra bên ngoài. Cơ sở pháp lý đã có, thể hiện ở Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế nhưng để hiện thực phải có văn bản thông tư của bộ hướng dẫn triển khai trong thực tiễn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Loạt giải pháp giảm chi tiêu dịch vụ y tế từ túi tiền của người bệnh- Ảnh 2.

Dự kiến, chi từ "tiền túi" khi đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức BHYT tự nguyện. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, tại buổi tọa đàm về chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10/10, bà Trần Thị Trang – quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế (này là Vụ trưởng Vụ BHYT), cho biết BHYT là một trụ cột trong chính sách tài chính y tế, an sinh xã hội, đóng vai trò hết sức quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân. Loại hình BHYT hiện đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do nhà nước bảo đảm.

Mong muốn của những người xây dựng chính sách là phát triển thêm BHYT bổ sung, trong đó liên kết giữa BHYT và bảo hiểm của cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn khi tham gia BHYT.

Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.

Theo bà Trang mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh. Từ đó, người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.

Đại diện Việt Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết theo tính toán hiện số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Dự kiến, chi từ "tiền túi" khi đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức BHYT tự nguyện. Mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20-31%.

L.Uyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn