Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Duke (Mỹ) công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội thấp khớp Mỹ (ACR) ngày 26/10.
Thuốc Pegloticase có tác dụng chuyển hóa uric acid sang một hợp chất hóa học khác dễ hòa tan hơn trong máu và dễ được thải ra ngoài hơn. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 của thuốc Pegloticase, giai đoạn cuối thử nghiệm trên người trước khi có thể xin giấy phép sản xuất đại trà của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho thấy trong vòng sáu giờ, sau khi tiêm Pegloticase vào tĩnh mạch, lượng uric acid ở tất cả các bệnh nhân đã giảm xuống mức mục tiêu đề ra. Các nhà khoa học cho biết thuốc còn có tác dụng trong vòng 6 tháng với khoảng 40% bệnh nhân.
Chuyên gia thấp khớp tại Đại học Duke, John Sundy, chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên, cho biết trong vòng 40 năm qua, tại Mỹ, chưa xuất hiện loại thuốc mới nào để điều trị bệnh Gout . Hiện có khoảng 2-3 triệu người Mỹ mắc bệnh Gout , tuy nhiên có khoảng 50.000 bệnh nhân ở Mỹ không hợp với phương pháp điều trị thông thường kết hợp với việc sử dụng thuốc Allopurinol và Probenecid. Do đó, loại thuốc mới này có thể mở ra triển vọng cho các bác sĩ và bệnh nhân chống lại căn bệnh Gout.
Lượng uric acid tăng quá mức trong máu, làm lắng đọng các tinh thể xung quanh các khớp - thường là trong các ngón chân cái, bàn chân, mắt cá chân hay đầu gối-gây ra hiện tượng viêm đau, triệu chứng điển hình của bệnh Gout.
Hiện hãng dược phẩm Savient Pharmaceuticals hy vọng sẽ được FDA cấp phép sản xuất loại thuốc này dưới tên gọi "Puricase".