Hà Nội

Loài người trước ngưỡng cửa thế giới bất tử

02-07-2010 16:23 | Quốc tế
google news

"Nếu vẫn còn sống trong 20 năm nữa, bạn có thể sống mãi" - Đó là dự báo mới đây nhất của một số tạp chí khoa học Mỹ.

"Nếu vẫn còn sống trong 20 năm nữa, bạn có thể sống mãi" - Đó là dự báo mới đây nhất của một số tạp chí khoa học Mỹ. Mỗi ngày trên thế giới, có hàng chục phát minh sáng kiến liên quan đến việc kéo dài sự sống được giới khoa học công bố. Những cơ quan sinh học nhân tạo và điện tử, liệu pháp cấy gen, giải phẫu hormon, giải phẫu thẩm mỹ chống già... xuất hiện ngày một phổ biến đều với mục đích đưa con người tiến gần tới sự bất tử.

Chống lại tuổi già

Từ xa xưa, loài người đã bắt đầu cuộc chiến chống lại tuổi già và cái chết. Bao nhiêu công sức và trí tuệ của toàn nhân loại đã được tập trung đổ dồn vào việc cố gắng làm thay đổi quy luật sinh - lão - bệnh - tử và tìm kiếm những loại "tiên đan" giúp trẻ mãi không già. Nhờ những cố gắng về mọi mặt mà tuổi thọ trung bình ngày càng được kéo dài.

Hiện, ở Mỹ và các nước tiên tiến xuất hiện rất nhiều bệnh viện chuyên cung cấp các dịch vụ điều trị chống già và cải lão hoàn đồng. Liều thuốc "chống già" và "cải lão hoàn đồng" được các nhà khoa học cụ thể hóa môi trường sống, chế độ ăn kiêng cùng sự can thiệp đặc biệt của các thủ thuật y tế... miễn sao giúp ước mơ trẻ mãi không già của con người ít nhiều thành hiện thực. Về mặt hình thức, giải phẫu thẩm mỹ làm cho hình dáng cơ thể trẻ lại là một phương pháp được nhiều người lựa chọn. "Đây cũng là phương pháp đáng tin cậy và có hiệu quả” - giáo sư J.M Gréco, Chủ tịch hội phẫu thuật chỉnh hình, tái tạo và thẩm mỹ của Pháp khẳng định. Ông cho biết, có thể thực hiện tối đa 3 cuộc phẫu thuật cải lão hoàn đồng trong đời mỗi người và mỗi cuộc đảm bảo sẽ làm trẻ lại đến 10 tuổi. Như vậy, tổng cộng con người có thể trẻ lại tới 30 năm tuổi xuân.

 

Nếu vẫn còn sống trong 20 năm nữa, bạn có thể sống mãi?!

Loại trừ bệnh tật

Năm 1974, bác sĩ Steve Austin đã dùng kỹ thuật điều khiển học cho ra đời phương pháp Cyborg, đứng đầu ngành khoa học viễn tưởng với những "con người sinh học". Sau tai nạn giao thông, một cô gái được một dự án bí mật của chính phủ Mỹ chọn làm vật thí nghiệm, trở thành con người sinh học đầu tiên với chân tay robot, các giác quan siêu nhạy, chip não bộ, đặc biệt là các tế bào máu có khả năng tự phục hồi nhanh. Các thiết bị bổ sung đã gia tăng đáng kể sức mạnh của cô, khiến cô có những khả năng siêu phàm. Những bộ phận giả không chỉ đảm nhiệm hoàn hảo các chức năng và tri giác của cơ thể, mà còn thực sự ưu việt hơn tay chân bình thường... Những tình tiết này không phải chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng mà giờ đây nó đã bắt đầu cuộc phiêu lưu ngoạn mục vào thực tế. Bắt đầu là những thành công trong kỹ thuật ghép ốc tai cho người điếc của giáo sư Chouard (Bệnh viện Saint Antoine) hay kỹ thuật ghép tim thu nhỏ và tự động của nhóm các nhà khoa học đứng đầu là giáo sư Carpentier (Bệnh viện Broussais)... Dẫu bao hàm cả phần về sinh học, phần về cơ khí nhưng các bộ phận thay thế này đều đảm bảo tất cả những chức năng như các bộ phận thực thụ. Tiến bộ của ngành công nghiệp điện tử càng ngày càng đem lại nhiều kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn trong việc thay thế tất cả các bộ phận của cơ thể. Nếu như chi phí không quá cao thì "con người sinh học" sẽ nhanh chóng trở thành phổ biến cùng với hàng trăm phát kiến ly kỳ khác.

Thêm vào đó, trên quy mô rộng lớn, ta đã biết thay thế các mô và cơ quan nội tạng bằng chính những mô khỏe mạnh của người bệnh. Những ca "tự cấy ghép" này có thể loại bỏ vấn đề khan hiếm người cho và sự loại thải cơ quan cấy ghép do không thích hợp giữa người cho và người nhận. Kỹ thuật này cũng bao gồm cả việc lấy những tế bào lành mạnh trong cơ thể người bệnh để sinh sản trong cơ thể trước khi lại đem cấy ghép vào đúng phần bị thương tổn. Chúng ta giờ đây đã có thể sống bằng trái tim hay bộ gan của lợn biến đổi gen. Với kỹ thuật dòng vô tính và cấy gen, con người có thể yên tâm với một kho dự trữ vô hạn những mảnh cấy ghép hoàn toàn tương hợp của các loài động vật được nuôi dưỡng. Theo hướng này, nền y học muốn tiến tới việc xóa bỏ bệnh tật thay vì phải điều trị và con người sẽ được gia tăng sức mạnh cùng với sự sống được kéo dài.

Và đẩy lùi cái chết

Bạn muốn sống thêm 100 năm nữa? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Một số chuyên gia cho rằng những tiến bộ khoa học giờ đây đã cho phép con người sống thêm hàng thập kỷ nữa. "Tôi tin rằng chúng ta đang gõ cánh cửa bước vào thế giới bất tử"- Michael Zeys, giáo sư Đại học Montclair (Mỹ), phát biểu. "Đến năm 2075 chúng ta sẽ được chứng kiến điều đó". Zey đã tuyên bố như vậy bên lề hội nghị hàng năm của Hiệp hội tương lai thế giới, chuyên phán đoán tình hình tương lai của các mặt khác nhau trong xã hội. Cũng trong hội nghị, Dornald Louria, giáo sư Trường y tế New Jersey, đồng ý rằng những tiến bộ trong việc biến đổi gen và công nghệ nano sẽ cho phép con người sống vượt quá ngưỡng tuổi ngày nay rất nhiều.

Rõ ràng, những cuộc thử nghiệm về liệu pháp gen đã mở ra nhiều triển vọng trong công cuộc kéo dài sự sống loài người bởi lẽ nó cho phép chăm sóc con người bằng cách khôi phục hay thay đổi "gia sản di truyền" của mỗi cá thể. Liệu pháp đó là đưa một gen của người bình thường vào hệ gen của một virut đã trở nên vô hại. Tiếp đó virut này được sử dụng như một "kẻ" sản sinh ra protein và được cấy vào người bệnh để thay thế các gen khuyết tật trong cơ thể. Kỹ thuật thay thế này hiện đã được thử nghiệm để điều trị các căn bệnh liên quan tới hiện tượng thoái hóa nơron hay ung thư. Và việc thiết lập bảng hệ gen hoàn hảo của con người đã hoàn thành cũng cho phép tăng cường khả năng kéo dài sự sống bằng cách đồng hóa các gen núp  trong những căn bệnh nguy hiểm hay trong gen trường thọ. "Những gì là khoa học viễn tưởng một thập kỷ trước đây thì nay đã không còn là viễn tưởng nữa. Có một lực đẩy tích cực và mạnh mẽ nhanh chóng đưa con người sống đến 120-180 tuổi. Thậm chí chẳng có giới hạn trong tuổi thọ và con người có thể sống tới 200, 300 hoặc 500 năm" - nhiều nhà khoa học đồng thuận.

Tuy nhiên, cũng có không ít người hoài nghi về những tuyên bố này và cho rằng cơ thể con người không được cấu tạo để có thể sống quá 120 tuổi. Cho dù hình thức bên ngoài trông trẻ hơn và bệnh tật ít đi thì bộ não và các cơ quan khác cuối cùng cũng sẽ tước đi cuộc sống của tất cả mọi người. Theo Havey Cohen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tuổi già và sự phát triển của con người, để kéo dài tuổi thọ của con người một cách toàn diện chúng ta cần phải loại bỏ sự gia tăng chứng bất lực do tuổi già gây ra bằng cách thay đổi bộ gen của người đó. Việc thay đổi một bộ gen già cỗi thành một bộ gen trẻ khỏe có thể có khả năng thực hiện được nhưng chắc chắn là không phải trong tương lai gần. Vậy thì hãy cứ lạc quan chờ xem sau 20 năm nữa, chuyện gì sẽ xảy ra!

Lê Trung (Theo World Health Magazine)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn