Lo tắc đường, nhiều người chọn trở lại Hà Nội vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ

08-04-2025 10:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau kỳ nghỉ lễ, thay vì vội vã trở lại Thủ đô, nhiều người dân đã chủ động ở lại quê đến "phút chót" để tránh cảnh ùn tắc và chen lấn.

Anh Lê Văn Việt (30 tuổi, nhân viên IT, quê ở Yên Bái) chia sẻ: "Tôi hay xem tin tức thấy cứ vào ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ là đường lên Hà Nội lại kẹt cứng. Xe khách thì hết chỗ, đi xe máy hay ô tô tự lái cũng khiến cả nhà mệt mỏi. Tôi "mạnh dạn" bảo vợ xin đi làm muộn để sáng sớm nay mới từ quê lênHà Nội. Chúng tôi dậy từ 4h sáng, 4h30 xuất phát đi luôn. Đến Hà Nội không bị muộn mà vừa kịp giờ đi làm ở công ty".

Không chỉ riêng gia đình anh Việt, "chiến thuật" trở lại vào phút chót đang được nhiều người áp dụng. Thay vì chen chúc trên đường quốc lộ giữa "biển xe", họ chọn ngủ một đêm ở quê, rồi dậy sớm lên Hà Nội để kịp có mặt ở cơ quan đúng giờ. Một số người xin nghỉ buổi sáng hoặc nghỉ cả  ngày làm việc để "dễ thở" hơn khi trở lại Hà Nội.

Chị Huyền Trang (30 tuổi, nhân viên văn phòng, quê ở Hà Giang) chia sẻ: "Ở quê thêm một ngày, sáng chạy vội lên Hà Nội thấy khỏe hơn khi bị kẹt xe, thì tội gì không chọn. Bây giờ tôi cũng đang trên đường từ Hà Giang trở lại Hà Nội".

Lo tắc đường, nhiều người chọn trở lại Hà Nội vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ- Ảnh 1.

Cảnh ùn tắc kéo dài trên đường trở lại thủ đô khiến ô tô chỉ còn chạy 17km/h trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: NVCC.

Theo chị Trang, ngoài lý do "né" tắc đường, việc nhiều công ty cho phép linh hoạt thời gian làm việc sau dịp nghỉ lễ, hoặc hỗ trợ làm online nửa buổi càng khiến nhiều người lựa chọn "quay về sát nút".

"Chịu trận" khi từ quê quay lại Hà Nội vào ngày nghỉ lễ cuối cùng

Thông thường, quãng đường từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương,.. về Hà Nội chỉ mất khoảng 1-3 giờ đồng hồ, nhưng nhiều người đã phải "chịu trận" trên đường suốt 4-6 giờ giữa dòng xe cộ để trở lại Hà Nội vào chiều tối ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ.

"Tôi đi từ Hưng Yên lên bình thường chỉ mất 1 giờ đồng hồ là đến Hà Nội, nhưng chiều qua (7/4) tôi đã mất gần 4 tiếng, xe nhích từng chút một, mệt lả cả người", anh Nguyễn Khánh (37 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội) chia sẻ.

Giống với anh Khánh, vợ chồng chị Uyên - anh Sơn cũng có trải nghiệm không mấy vui vẻ trên đoạn đường từ Tứ Kỳ (Hải Dương) di chuyển đến Hà Nội.

"Bình thường chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là đến Hà Nội, vì chúng tôi đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng hôm qua chúng tôi đã đi hết 4 giờ đồng hồ. Xe đi rất chậm trên cao tốc, nhiều đoạn dài chúng tôi chỉ đi được  20km/giờ. Vợ tôi say xe nhưng vẫn phải trông 2 đứa con nhỏ. Con thì đói, mệt, khóc inh ỏi trên xe...

Thời gian ngồi lâu trên xe cũng khiến tôi căng thẳng và chán nản. Dù đang ở trên đường cao tốc nhưng nhiều xe đã đi vào đường ưu tiên vì tắc đường quá lâu. Còn tôi, lo bị phạt nên chỉ đành "rùa bò" trên cao tốc mà thôi", anh Sơn thở dài.

"Kỳ nghỉ tới gia đình tôi sẽ đi vào ban đêm, xin nghỉ trước hoặc sau 1-2 ngày để di chuyển cho bớt mệt mỏi. Chứ lên xe từ 3 giờ chiều mà mãi đến gần 10 giờ tối mới vào đến bến", anh Linh (46 tuổi, quê ở Thanh Hóa) nói.

Anh Linh cho rằng, không khó để lý giải nguyên nhân vì sao đường xá lại tắc. Bởi kết thúc kỳ nghỉ Lễ, ai cũng đổ dồn về thành phố cùng một thời điểm, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng tại các tuyến đường cửa ngõ như cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 32, hay đường Vành đai 3. Thậm chí, các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm cũng chứng kiến cảnh người chen chúc, hành lý chất đống, xe khách nối đuôi nhau dài cả cây số...

"Tình trạng ùn tắc không chỉ gây bức xúc mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông khi người dân mệt mỏi, mất kiên nhẫn và cố tìm cách vượt lên hoặc đi vào làn đường cấm...", anh Linh nói thêm.

Lo tắc đường, nhiều người chọn trở lại Hà Nội vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ- Ảnh 2.

Nhiều xe ô tô đi vào làn khẩn cấp để tránh tắc đường. Ảnh: NVCC.

Tài xế xe khách cũng... muốn nghỉ việc

Tài xế xe khách cũng mệt mỏi vì tắc đường trong ngày cuối dịp nghỉ Lễ. Việc phải lái xe nhiều giờ liền trong cảnh đường tắc nghẹt, xe nhích từng chút một khiến nhiều lái xe căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.

"Có những hôm lái xe từ sáng đến khuya mới về được Hà Nội, mệt rã rời mà vẫn phải giữ tỉnh táo tuyệt đối để đảm bảo an toàn cho hành khách. Việc ùn tắc kéo dài không chỉ khiến thời gian làm việc bị đội lên, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, giấc ngủ và cả thu nhập của những  tài xế chúng tôi", anh Hải, tài xế tuyến Yên Bái – Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ mệt vì tắc đường, các tài xế xe khách còn phải đối mặt với áp lực từ hành khách khi ai cũng nóng ruột, cáu gắt vì chậm trễ. Nhiều người thậm chí đổ lỗi cho tài xế, dù nguyên nhân đến từ tình trạng ùn tắc kéo dài trên khắp các tuyến quốc lộ và cửa ngõ vào Thủ đô.

"Đường thì tắc, bụng thì đói, mà còn phải nghe khách than vãn, trách móc. Mình hiểu họ mệt, nhưng tài xế cũng là con người chứ đâu phải cái máy", anh Tuấn – người lái xe gần 20 năm kinh nghiệm, tâm sự.

Video ô tô "bò" trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào chiều 7/4, nhiều xe chạy vào làn ưu tiên:

Video NVCC.

Xem thêm bài viết:

Tai nạn giao thông tại Hà Nội giảm trong ba ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

SKĐS - Trong ba ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Hà Nội ghi nhận 4 vụ tai nạn giao thông, 4 người tử vong, không có người bị thương, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn