Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40 - 50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ dịch.
Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề này, ThS. BS Dương Quốc Bảo, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho hay: "Khi bắt đầu vào năm học mới, theo dự báo số ca trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng nếu trường học, đặc biệt cơ sở giáo dục mầm non, phụ huynh không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống bệnh".
Nguyên nhân khiến bệnh chân tay miệng có nguy cơ thành dịch
Theo ThS. BS Dương Quốc Bảo, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc,... Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, quần áo.
Do vậy, tại trường học, đặc biệt các cơ sở trông trẻ, trường mầm non rất dễ có sự lây nhiễm chéo khi có trường hợp mắc tay chân miệng. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, chơi cùng đồ chơi... là những con đường thuận lợi lây bệnh.
Một số biểu hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng mà phụ huynh và giáo viên cần lưu ý như nổi mụn phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, xung quanh mặt và miệng, trong miệng, một số vị trí phát ban khác như ở mông, đầu gối. Ngoài ra khi mắc tay chân miệng trẻ sẽ sốt, chán ăn, bỏ bú, giật mình....
Một số cách phòng bệnh tay chân miệng
Trước thềm năm học mới, ThS. BS Dương Quốc Bảo khuyến cáo phụ huynh và giáo viên, đặc biệt là đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo cần phải theo dõi thường xuyên xem trẻ có biểu hiện mắc tay chân miệng hay không? Nếu có cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời cho trẻ.
Cũng theo ThS. BS Dương Quốc Bảo, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Dó đó cách phòng tránh tốt nhất là vệ sinh tốt bề mặt môi trường, thường xuyên làm sạch đồ chơi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay người lớn làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần chế biến sạch sẽ, an toàn, uống nước đun sôi để nguội. Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.
Đặc biệt, khi lớp học có trẻ phát bệnh, cần nhanh chóng báo cáo cách ly và khử khuẩn để giảm thiểu lây lan sang trẻ khác, tạo thành ổ dịch.
Chủ động đối phó khi dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng song hành
Hiện nay, số người mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp, đồng thời số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng khi bước vào năm học mới. ThS. BS Dương Quốc Bảo cho rằng, nếu cả dịch sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng song hành với nhau thì đây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, mỗi một bệnh sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau.
"Để chủ động đối phó với dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng trong thời gian tới, các bệnh viện luôn có nhiều phương án tránh tình trạng lẫy nhiễm chéo, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc điều trị sẵn sàng nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nữa", ThS. BS Dương Quốc Bảo cho biết.