Lò luyện thi, luyện xác?!

12-06-2010 09:10 | Xã hội

Sau ngày 4/6, học sinh thi tốt nghiệp xong là dịp "thượng kinh" tìm lò luyện thi cấp tốc. Vì thế, các bậc phụ huynh ở mọi vùng quê Việt Nam gom góp tiền bạc, tài sản cho con theo nghiệp đèn sách.

Sau ngày 4/6, học sinh thi tốt nghiệp xong là dịp "thượng kinh" tìm lò luyện thi cấp tốc. Vì thế, các bậc phụ huynh ở mọi vùng quê Việt Nam gom góp tiền bạc, tài sản cho con theo nghiệp đèn sách. Thế nhưng năm nay, mùa ôn thi đúng vào dịp cả nước gặp đại dịch lợn tai xanh trên diện rộng, toàn bộ gia sản nhiều gia đình đều chôn theo đàn lợn, mất trắng, nhiều học sinh vì thế mà cũng bị lấy đi giấc mơ ĐH. Nhưng đại đa số các gia đình vẫn cố gắng vay lãi, bán tài sản cho con lên Hà Nội để tầm sư ở các lò luyện siêu tốc. Mà đằng sau ước mơ đèn sách là nỗi nhọc nhằn, nước mắt và hệ lụy buồn kéo theo…

Cắn răng gửi con vào "lò luyện"

Năm nay, Bộ GD-ĐT khẳng định là đề thi ĐH, CĐ sẽ không nằm ngoài kiến thức đã học trong chương trình lớp 12 nên thí sinh chỉ cần học kỹ và biết lượng sức mình là đỗ, không nhất thiết phải bán cả cơ ngơi để chen chân vào các lò luyện thi cấp tốc làm gì cho mất tiền, vạ thân...

Thế nhưng, tại khu lò luyện thi Trường ĐHSP Hà Nội, chúng tôi bắt gặp nhiều bậc cha mẹ sĩ tử, tay xách nách mang đang lúi húi chen chúc vào tìm lò cho con. Gặp chị Trần Thị Lan, 47 tuổi, ở Kim Môn, Hải Dương, có cô con gái vừa thi xong tốt nghiệp là 2 mẹ con lên Hà Nội tìm lò luyện, họ vẫn chưa kịp tìm nhà trọ. Đợi chị Lan đăng ký cho con xong, chúng tôi tiếp cận và được nghe chị than thở: "Buồn lắm, giữa tháng 5, đàn lợn hơn 20 con chết hết, người ta đến đem ra đồng chôn. Tiếc lắm, mất trắng chú ạ. Gia đình tôi tính cuối tháng 5 bán đi để cho nó đi ôn, ai dè...". Thế rồi, chị Lan nói, sau ngày thi tốt nghiệp cũng định hủy cuộc ôn luyện của con gái. Nhưng bố nó sang bên các cô chú trong dòng họ, ai cũng bảo thế này: "Đất mình là đất học, mà dòng họ này chưa có ai đỗ đạt. Lợn nhà ai cũng chết, cũng không có tiền, có nhà bán cả đất, sao ta không làm được? Có bán nhà cũng phải đỗ ĐH". Thế là, bà Lan đi vay lãi được 3 triệu cho con lên Hà Nội luyện thi. Bây giờ, bà bảo chỉ cần tìm nhà trọ nữa là bà về quê đi làm phụ hồ kiếm thêm cho con ăn học. Nhìn mẹ con bà Lan đi theo người đàn bà "cò" nhà trọ, tôi biết ở đó, những đồng tiền của mẹ con bà lại “bốc hơi”, rồi mai này cuộc hành trình đèn sách giữa thời bão dịch của con bà sẽ ra sao?

 Đua nhau đăng ký.

Chị Nguyễn Thị Tươi, chủ quản lý lò luyện thi Phương Phương có tiếng ở khu vực trường ĐHSP Hà Nội cho biết, lịch học mỗi ngày thường kín mít, trung bình mỗi phòng luyện thi tổ chức 5 ca khác nhau. Việc tổ chức được 5 - 7 ca do số lượng học sinh theo học quá tăng sau ngày thi tốt nghiệp đang làm các lò luyện căng thẳng, còn phải dồn học sinh cho đủ lớp. Chị Tươi còn cho biết thêm: "Có nhiều cha mẹ cùng thí sinh đến đăng ký xin được giảm giá vì lợn tai xanh, mất hết tài sản rồi. Nhưng chúng tôi cũng như gần 30 lò ở đây, làm sao phá giá, mà phá giá thì lấy đâu tiền để chúng tôi thuê thầy, thuê nhà...". Thế là, dù dịch lợn tai xanh đang khiến các bậc phụ huynh thành trắng tay nhưng áp lực học hành và thi cử vẫn khiến họ phải ngược xuôi chạy vạy cho ra tiền.

Đến khu luyện thi Đại học KHXH&NV, tôi cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự. Để "tận thu", các chủ lò luyện đành "dồn" lớp cũ để đón lớp mới. Việc dồn lớp ở đây xảy ra như liên khúc, các chủ lò thường dồn ca sáng sang chiều, thậm chí ghép lớp vào ban đêm để kiếm thêm số lượng. Khi chúng tôi có mặt cũng là lúc chủ lò luyện Cao Trí đang đàm phán ghép 5 sĩ tử ôn môn Văn (đã học được gần tháng) sang học với lớp Văn của lò luyện thầy Khang. Khi các sĩ tử yên vị, tôi quan sát thấy bên trong chật kín. Thầy giáo bước vào nhìn khắp lượt, thở dài về sự nóng bức, chật chội do quá tải và giảng dạy qua loa cho xong buổi dạy. Chúng tôi gặp anh Hòa, từ Quảng Xương, Thanh Hóa đưa con ra ôn thi ở lớp thầy Khang nói: "Lợn chết 30 con, hết sạch; gà chết 100 con, nhưng đặt giấy tờ được 10 triệu, vừa tiền ôn thi vừa tiền thi cho thằng con". Anh còn quay ra ngao ngán: "Vác cả gia sản đi để được cái cảnh nhồi nhét, lớp ghép thế này đây?". Gặp thầy Khang, người vừa đứng lớp môn Văn ghép nói trên sau buổi học, ông nói: "Nhìn cảnh ngột ngạt, thí sinh lại đến chỉ để ngủ, đọc truyện thế này tôi không còn hứng thú đâu mà dạy. Mà cũng lạ, thời dịch, nông dân mất trắng không biết tiền bạc đâu mà họ cho con ôn thi?".

Tại khu ôn luyện siêu tốc ĐH Bách Khoa, sau một hồi nghiên cứu tờ lịch học, tôi đăng ký vào lớp A4 nhưng đề nghị chỉ mua vé buổi với lý do muốn học thử trước đã, bà chủ "tư vấn": "Cháu định học thử thì nên mua vé cả tuần 6 buổi, 12 ca học chỉ 72.000đ, còn mua vé từng buổi thì phải 15.000/buổi". Nhưng khi tôi vẫn giữ ý định chỉ mua vé học theo buổi, bà ta đành miễn cưỡng ghi phiếu cho tôi. Bà ta quay ra chửi đổng: "Từ sáng tới giờ toàn những thằng học vớ vẩn". Tôi cố nén, giãi bày: "Tiền đâu hả cô. Ở nhà dịch tai xanh, lợn chết, không còn tiền nữa nên chỉ dám học thế thôi". Ai ngờ, bà ta quay ra bốp chát luôn: "Dịch thì mặc xác nhà mày, nhà mày dịch chứ tao dịch à? Không học thì biến". Tôi đành im lặng tìm theo sơ đồ chỉ dẫn đến một ngôi nhà 4 tầng khang trang nằm sâu trong ngõ 275 đường Tạ Quang Bửu nhưng được thông báo "Môn Hoá, lớp A4, thầy C. nghỉ, chiều mai học bù", tôi nghe thấy tiếng thở dài của vài sĩ tử "Lại nghỉ, học thế này sao kịp thi". Mà nguyên nhân chính là do thầy bận chạy sô không đến lớp kịp, buổi học đành hủy trong sự bức xúc của các thí sinh.

Những đồng tiền cuối cùng

       Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi đại học năm nay sẽ được thay đổi mạnh theo hướng tăng kiểm tra tính sáng tạo, kỹ năng thực hành của thí sinh. Mỗi đề thi sẽ gồm nhiều câu hỏi riêng biệt. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và các bài tập nâng cao trong sách là yên tâm khi đi thi.

Không vào được "lò", tôi may mắn làm quen được với Hơn, quê Thanh Hoá, đã luyện ở lò này. Hơn có hoàn cảnh khá éo le, nhà chỉ có 2 mẹ con, bố Hơn một lần ra khơi đã vĩnh viễn không về, năm trước khi chuẩn bị thi thì mẹ đổ bệnh, Hơn phải ở bên mẹ và bỏ lỡ kỳ thi. Nhà Hơn có đàn lợn 13 con, để dành cho em thì kỳ này, ai ngờ mới chớm dịch đã chết hết. Trước khi ra Hà Nội, mẹ Hơn đã bán chỉ vàng mà bà ngoại cho mẹ làm của hồi môn, chỉ vàng này khi ốm mẹ cũng không bán, nhưng "đời mẹ khổ rồi con ráng học". Hơn kéo tôi về nhà trọ, căn phòng khoảng 10m2 không giường mà chỉ có 2 chiếc chiếu trải xuống nền xi măng là nơi trú ngụ của 4 sĩ tử đang ôm mộng vào đại học. Hơn nói: "Còn 200.000đ thôi, chắc chỉ ăn, học được mấy hôm, không biết mẹ em vay đâu ra tiền nữa". Hơn còn cho biết, trong làng em năm nay nhiều nhà mất trắng vì nuôi lợn gặp dịch tai xanh nên việc vay tiền khó khăn lắm. Em bảo, nếu vài hôm nữa không có tiền thì em cũng phải về thôi, rồi tính sau. Nhìn dáng vẻ xanh xao gầy guộc vì nhịn ăn của em mà tôi thấy xót xa.

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn có được một chỗ ăn, ở, vệ sinh vừa đảm bảo sức khoẻ để đi thi lại vừa túi tiền. Với đồng tiền vay, bán tài sản mà giá nhà cho thuê ở xung quanh các trường ĐH lúc nào cũng gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp 5 - 6 lần! Các gia đình không có phòng cho thuê nhưng vào thời điểm đó cũng tranh thủ "làm kinh tế" bằng cách dồn... các con lại vào chung một phòng, dành trọn tầng 3, hay tầng 4 cho việc "kinh doanh thời vụ" với giá 30 -40.000 đồng/ngày/người! Mỗi phòng như thế có thể chứa được cả chục người, đơn thuần chỉ để ngủ mà thôi. Cái được của nhà cho thuê dạng này là sạch sẽ và điện nước thoải mái, không bị quá nóng bức. Nếu là nhà sinh viên thì giá rẻ hơn: từ 15 - 20.000 đồng/ngày/người. Đó là giá thuê ngắn ngày, còn nếu như thí sinh lên ôn thi cấp tốc (tức là ở chừng một tháng hoặc hơn một chút) mà may mắn tìm được một căn nhà bé tí tẹo và nóng bức nào đó, thì giá cũng đột ngột tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, không có mấy ai là không phải chịu cảnh chen chúc, nóng nực. Có những nhà chủ tham lam, nhồi nhét tới 10 -15 người vào một phòng chỉ chừng 10 - 12m2. Nhưng tâm lý chung của sĩ tử trong thời buổi khó khăn là cam chịu.

Ngay tại khu trọ dành cho sĩ tử tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tôi chứng kiến tình cảnh các chủ nhà luôn ép buộc các sĩ tử và người nhà phải hết sức tiết kiệm nước. Tại phòng trọ của mẹ con chị Hằng đến từ Nam Định, bà chủ nhà tên Liễu quát tháo: "Chỉ tắm thôi, quần áo bẩn để dành vài hôm mang về nhà giặt cũng không sao". Rất bất bình nhưng cảnh thuê trọ nên họ phải cắn răng chịu đựng cho qua giai đoạn nước rút này. Đã thế đồng tiền dành dụm của các em lại bị bòn rút một cách vô lương tâm như trường hợp em Nguyễn Văn Bình, quê Thái Nguyên đã phải mất 200.000 đồng để "cò" tìm nhà giúp. Theo như quảng cáo ban đầu của "cò", giá phòng 900.000 đồng, điện 3.000 đồng/số, nước 70.000 đồng/người. Ở được 2 ngày, Bình mới tá hoả khi chủ nhà thông báo, phòng Bình đang ở có giá 1,2 triệu đồng. Bình thắc mắc thì chủ nhà giải thích, người tới đây hôm trước không phải là chủ dãy trọ này nên không có quyền quyết định giá cả. Tới mức đó, Bình chỉ còn cách... đi tìm một cái nhà khác.

 Một lớp luyện thi dột nát.

Không nhất thiết phải vào lò luyện

Đứng ở góc độ chuyên môn, không ít nhà giáo đã tỏ ra "hoài nghi" chất lượng của những khóa học theo kiểu cấp tốc. Cô Chi Mai - GV một thời nổi tiếng làng "luyện thi" với môn Sinh vật - đã cho biết: "Mỗi lớp có khi lên đến cả trăm học viên, mà GV chỉ tham gia dạy trong khoảng thời gian khoảng 1 tháng thì đến việc nhớ mặt học viên còn không nổi, nói chi giảng giải cho các em một cách hiệu quả". Thực tế, ở hầu hết các lớp luyện thi, GV chỉ có đọc, giảng như cái máy, còn học viên thì chép được bao nhiêu cứ chép. Còn chuyện đào sâu suy nghĩ hay giáo viên chỉ dạy từng em thì hoàn toàn không thể.

Thầy Nguyễn Quang Ninh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: Một số môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên thí sinh chỉ cần học ở trường và tự học ở nhà nên không cần phải đến lò luyện thi. Thí sinh không nên đổ dồn vào các lò luyện, vì không lò nào dạy cho họ cách trúng tủ, hay hợp với trường mà họ định thi. Bởi vì thi cử là sự tổng kết tinh hoa kiến thức của cả quá trình rèn luyện học tập, chứ không thể kỳ vọng nhồi nhét ở đâu trong 1 tháng ôn mà có thể phù phép cho mình có đủ kiến thức để bước vào phòng thi. Hơn nữa, cận ngày mới lao vào học đêm, học ngày rất dễ bị stress và có thể "gục" trước kỳ thi.        

Phóng sự của Thành Nam


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn