Đã qua cái thời "hoàng kim" của những liveshow hoành tráng kiểu "không sân vận động cũng phải xuyên Việt" với kinh phí vài tỷ đồng. Cũng sắp cũ rồi mode show diễn mini đơn giản, gọn nhẹ từng tung hoành tại các phòng trà, điểm diễn. Năm mới 2009, nhìn vào loạt liveshow vừa diễn ra hoặc đang "lên kế hoạch", thấy xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhiều mô hình mới. Có vẻ như làng showbiz Việt đang bước vào một cuộc thử nghiệm lớn nhằm tìm ra hướng đi thực sự mới mẻ và hiệu quả về cả mặt kinh tế lẫn tiếng tăm cho các liveshow.
Thu nhỏ và nâng tầm
Mới đầu năm mà làng showbiz Việt đã sôi sục bởi một loạt “tiết lộ”, “tuyên bố” về dự định và kế hoạch tổ chức liveshow cá nhân của các ca sĩ. Gây được sự chú ý nhất là Đêm nhạc Trịnh cao cấp của hai ca sĩ thuộc hàng “top” Việt Nam: Hồng Nhung - Quang Dũng sẽ diễn ra vào ngày 28/2 tới đây. Đó là bởi vì liveshow sẽ được tổ chức dưới một hình thức rất mới: kết hợp dạ tiệc với âm nhạc tại một nhà hàng sang trọng và “khoanh vùng” cho đêm diễn của mình: Cực kỳ mini, cực kỳ cao cấp, chỉ với tối đa 100 khán giả! Mô hình liveshow kiểu dạ tiệc âm nhạc này từng được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam với Dạ tiệc trắng hồi tháng 10/2008 và đã gặt hái thành công. Hiện Mr Đàm cũng đang lên kế hoạch thực hiện 3 liveshow theo mô hình này trong năm nay.
Một liveshow ca nhạc.
|
Để “nhạt” hay thêm mắm muối
Câu hỏi gần như đã được trả lời sau liveshow xuyên Việt của ca sĩ Ánh Tuyết và nhóm ATB vừa rồi. Dù được đảm bảo bằng những tên tuổi lớn từng hấp dẫn nhiều thế hệ khán giả và những tình khúc vượt thời gian, song tour diễn đã thất bại khi mỗi đêm diễn ở Hà Nội chỉ kín chưa đầy 200 ghế. Giới trong nghề gọi đây là “sự hồn nhiên cuối cùng của công nghệ biểu diễn”. Bởi giờ đây khán giả đã không còn dễ chấp nhận một sân khấu ca nhạc quá đơn giản, một mô hình liveshow “nhạt màu” và “đặc sệt phòng trà” như thế.
Rõ ràng, cái thời của “hữu xạ tự nhiên hương” đã không còn tồn tại. Hay nói đúng hơn, tên tuổi của ca sĩ không còn là một đảm bảo duy nhất cho sự thành công của liveshow. Mỗi ca sĩ dù ở hạng “sao” hay mới nổi đều cần phải tìm thế mạnh riêng hay nghĩ ra vài ý tưởng “khác người” nào đấy để “thêm mắm thêm muối” cho liveshow của mình. Có đâu bao giờ của đôi song ca Hồng Nhung, Quang Dũng đã hướng đến rất nhiều những thứ “khác người” ấy. Ngoài phần chính là âm nhạc, còn kết hợp với các “món phụ” như triển lãm tranh, tiệc cocktai, giao lưu cùng nghệ sĩ, tặng đĩa CD...
Mô hình liveshow có thêm “nhiều gia vị” này cũng được cô ca sĩ Kiwi Ngô Mai Trang lựa chọn cho dự định tổ chức liveshow cá nhân trong năm, đó là kết hợp âm nhạc với nghệ thuật trình diễn đương đại và nghệ thuật sắp đặt.
Tự đổi mới hoặc tạo cá tính riêng
Có thể nói, xu hướng từ bỏ các liveshow hoành tráng bạc tỷ để rút vào mô hình nhỏ gọn, ấm cúng và sang trọng đã trở thành một trào lưu trong giới showbiz từ một hai năm nay. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong điều kiện nền kinh tế suy thoái. Ca sĩ không dễ dãi “đốt tiền” theo kiểu “dù có lỗ lớn cũng vẫn phải hoành tráng”. Còn khán giả thì đã chán ngấy những đại nhạc hội chỉ có bề nổi với ầm ào âm thanh, ánh sáng. Chính vì thế trong năm nay, vẫn sẽ có nhiều ca sĩ “trung thành” với show diễn mini như Đức Tuấn, Đoan Trang, Như Ý, Thanh Thảo... Mô hình này vẫn có thể đảm bảo “không lo bị lỗ” cho những tên tuổi “tầm tầm bậc trung”.
Tuy nhiên, trào lưu nào rồi cũng lại đến lúc nhàm chán khi nhiều người cùng chạy theo và áp dụng. Chắc chắn khán giả sẽ đòi hỏi phải tiếp tục có cái mới, cái hấp dẫn. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sự mới lạ về mặt hình thức, liveshow ca nhạc 2009 còn hứa hẹn sẽ có khá nhiều chương trình hướng đến sự đổi mới về chất. Bất ngờ nhất có lẽ là live concert mang đậm màu sắc cổ điển và bán cổ điển đầu tiên của một ca sĩ nhạc pop tại Việt Nam mang tên Mỹ Lệ in symphony diễn ra vào ngày 8/3 tới. Một ca sĩ được nhiều khán giả yêu mến với giọng pop trẻ trung, sôi động sẽ chuyển sang hát opera cùng dàn nhạc giao hưởng!
Tạo ra sự hứng thú “phía trước” cho khán giả cũng là một cách mà một số ca sĩ lựa chọn khi lên kế hoạch tổ chức liveshow. Đây không phải là một xu hướng mới. Bởi khán giả không lạ gì những chiêu PR, quảng cáo rầm rộ, giật gân, gây sốc được tung ra trước đêm diễn. Có điều, các chiêu này càng ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và thêm nhiều cá tính hơn. Chẳng hạn, có chàng ca sĩ đang được lòng khán giả lại “ngậm ngùi” tuyên bố “đây sẽ là show diễn cuối cùng”. Hay có cô ca sĩ xinh đẹp đã tự tin khẳng định “sẽ khai thác tối đa sự gợi cảm của bản thân trong liveshow”...
Công chúng được gì?
Phải thừa nhận rằng trong nỗ lực đi tìm những mô hình hiệu quả nhất cả về mặt kinh tế lẫn tiếng vang cho công nghệ tổ chức liveshow của các ca sĩ, khán giả là những người được lợi về nhiều mặt. Bởi cho dù mô hình nào, xu hướng nào nhận được nhiều sự lựa chọn thì cuộc chạy đua này cũng đã kịp tạo ra một thị trường âm nhạc có tính cạnh tranh cao và mang màu sắc kinh doanh ngày càng rõ nét. Vì thế khán giả sẽ có cơ hội lựa chọn và nhận được những gì tốt nhất, theo đúng “gu” của mình nhất. Có một điều, thực tế này cũng cho thấy xu hướng phân loại khán giả đã và sẽ dần được hình thành. Tùy từng loại âm nhạc, dòng nhạc, ca sĩ khác nhau thì sẽ có những khách hàng mục tiêu khác nhau. Và như vậy thì chắc chắn sẽ có không ít khán giả cảm thấy “tủi phận” bởi mình không đáp ứng đủ điều kiện “có tầm cỡ” để được thưởng thức một chương trình âm nhạc nào đó hay khó mà có cơ hội được thưởng thức một giọng ca hạng “sang” nào mà mình thích. Hy vọng rằng, các ca sĩ dù có tán đồng với ý tưởng “nâng tầm bản thân, nâng tầm khán giả”, thích thú với xu hướng làm liveshow ngày một “cao cấp” hơn thì cũng đừng rời xa đại chúng, đừng khu biệt các đối tượng khán giả. Có như vậy thì số đông công chúng khán giả ở “tầm thấp” và “tầm trung” mới có thể được thưởng thức những đổi mới, những thử nghiệm âm nhạc.
Hoàng Linh