Kỹ thuật băng bó vết thương theo liệu pháp Judo Nhật Bản
Ưu điểm của liệu pháp này là không cần dùng thuốc, không cần phẫu thuật và thích hợp cho người cao tuổi.
Theo Phó Chủ tịch Masakazu Hagiwara (Hiệp hội các nhà trị liệu theo liệu pháp Judo Nhật Bản), liệu pháp Judo là phương pháp điều trị đối với phần bị tổn thương khi các ngoại lực tác động vào cơ thể do các nguyên nhân cấp tính, bán cấp tính của các mô mềm nằm bao quanh xương, cơ và khớp (là những thành phần cấu tạo nên hệ vận động). Liệu pháp Judo là một trong những tinh hoa của Nhật Bản được truyền lại thông qua đạo văn võ cổ truyền. Đây là phương pháp trị liệu không xâm lấn đối với các chứng gãy xương, trật khớp, bong gân, bầm tím, bầm dập.
Liệu pháp Judo điều trị chấn thương được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế Nhật Bản và được hệ thống bảo hiểm y tế chi trả
Đó cũng là một trong những nội dung được giới thiệu tại hội thảo quốc tế "Nâng cao sức khỏe bằng liệu pháp Judo" dưới sự khai mạc của PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam; ông Konishi Keiichirou, Trưởng đại diện Quỹ Công nghệ y khoa quốc tế Nhật Bản; ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản. Góp mặt tại hội thảo còn có đại diện Cục quản lý Y dược cổ truyền, BV YHCT TW, các chuyên gia trị liệu judo của Hiệp hội điều trị Judo Nhật Bản.
Y học cổ truyền - tinh hoa trong điều trị và phòng bệnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong phòng và điều trị bệnh và đã được đưa vào điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Đây là việc làm cần thiết góp phần nâng cao sức khỏe của người dân các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở Việt Nam, chữa bệnh bằng liệu pháp y học cổ truyền ngoài thảo dược còn có massage, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,...đạt kết quả tốt trong điều trị trật khớp, gãy xương. Châm cứu là một tinh hoa của nền y học cổ truyền của Việt Nam mà nước ta cũng đã góp phần truyền bá ra thế giới như xây dựng trung tâm châm cứu ở Mexico, nước Nga và một số nước khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chụp ảnh lưu niệm cùng Hiệp hội trị liệu Judo Nhật Bản
Sự phát triển dựa vào cơ sở y học cổ truyền và liệu pháp Judo là phương pháp hiệu quả không dùng thuốc, không tiêm truyền và được BHYT của Nhật Bản chi trả. Chính vì vậy, Cục quản lý YHCT của Việt Nam rất hy vọng ứng dụng liệu pháp Judo trong điều trị chấn thương phần mềm, nắn chỉnh khớp xương không cần sử dụng thiết bị y tế áp dụng rộng rãi trong nhân dân và các cơ sở trị liệu. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp ngày càng thăng hoa giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và y học cổ truyền.
Y học cổ truyền ngày càng được các nước trên thế giới quan tâm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có chiến lược YHCT tới năm 2023. Việt Nam rất coi trọng đào tạo nghiên cứu trong thuốc cổ truyền, đặc biệt là đưa YHCT vào chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, bởi YHCT là liệu pháp rẻ tiền, có hiệu quả cao và có công dụng phòng bệnh tốt.
Liệu pháp Judo - phương pháp trị liệu tinh túy trong điều trị chấn thương
Liệu pháp Judo là tinh hoa trong nền y học cổ truyền của Nhật Bản. Liệu pháp Judo giúp điều trị chấn thương cho các bệnh nhân mong muốn và thích ứng với phương pháp điều trị không xâm lấn, không cần dùng phẫu thuật hay thuốc và không để lại sẹo. Liệu pháp Judo điều trị không xâm lấn bệnh nhân bị chấn thương thuộc phạm vi của ngoại khoa chỉnh hình.
Judo vốn là truyền thống và tinh thần của dân tộc Nhật Bản, hình thành từ đạo "võ" (kỹ thuật chiến đấu) làm tinh thần cốt lõi, đạo "văn" (tín ngưỡng- tôn giáo-khoa học). Tinh thần rèn luyện "hai đạo văn võ" đã hợp nhất cả hai yếu tố trên tạo thành nét tinh tế riêng của y học cổ truyền Nhật Bản.
Tinh thần võ đạo của liệu pháp Judo
Phương pháp sát thương: võ thuật (kỹ thuật atemi - kỹ thuật ném - kỹ thuật siết cổ - kỹ thuật khóa bẻ khớp - kỹ thuật khống chế)
Phương pháp phục hồi: trị liệu, chữa trị cho người bị thương (gãy xương, trật khớp, bong gân, bầm tím, bầm dập). Bao gồm cả phương pháp hồi sức cấp cứu, cầm máu hoặc phương pháp cấp cứu cho người chết lâm sàng.
Với nền y học truyền từ võ đạo này, với hai phương pháp luôn song hành và không tách rời, khi các võ sĩ Judo thi đấu, họ sử dụng phương pháp sát thương, thì sẽ luôn có các nhà trị liệu theo liệu pháp Judo để chữa trị cho các võ sĩ này. So sánh giữa hai trường phái: sappou (sát thương) và kappou (phục hồi), trường phái sappou đã phát triển thành môn võ Judo, còn phương pháp hồi sức đi kèm với nó trong y học cổ truyền đã tiến triển để trở thành liệu pháp judo. Có thể nói cách thức "dùng độc trị độc", từ ngón đòn Ippon Seoi Nage trong môn võ Judo (bẻ vai để quật ngã đối phương) đã giúp ra đời sơ đồ trị liệu sai khớp vai dựa theo giáo trình thế kỷ 19. Bởi khi các bậc thầy môn phái võ thường nắm rõ sơ đồ giải phẫu các huyệt, các lực để tấn công thì kiến thức về giải phẫu cơ thể người cũng giúp họ mau chóng chữa lành chấn thương cho người tập.
Sơ đồ giải phẫu ngón đòn "seoi-nage" trong môn võ Judo
Và từ đó, với khởi thủy ban đầu như là sơ cấp cứu dân gian cho môn phái võ judo, liệu pháp Judo đã có những bước vọt thần kỳ kể từ sau thế 16. Liệu pháp Judo đã tiếp thu từ nhiều nền y học từ các quốc gia khác và đã được truyền đạt, nghiên cứu, cải tiến, khảo sát kỹ thuật riêng. Hiện tại Nhật Bản nghiên cứu nhằm xây dựng căn cứ khoa học cho liệu pháp Judo (được coi là y học dựa trên kinh nghiệm) đang được thực hiện. Và liệu pháp Judo trong y học cổ truyền của Nhật Bản đã phát triển thành Y học nối xương, sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Y học nối xương là kỹ thuật từ thời xa xưa kích thích khả năng hồi phục tự nhiên, và giờ đây được hợp nhất với phương pháp khoa học của y học phương Tây. Vừa vận dụng y học dựa trên kinh nghiệm, phương pháp vẫn sử dụng từ xưa đến nay vừa tiến tới nền y học được công nhận trong xã hội hiện đại. Ở bộ môn Y học nối xương giảng dạy trong các trường y, sinh viên được đồng thời dạy cả y học phương Tây và trị liệu, chỉnh hình theo phương pháp cổ truyền.
Đó cũng là một nét rất hay và là sự tương đồng giữa y học cổ truyền Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam, y học cổ truyền cũng được giảng dạy rộng rãi với một hoặc hai trình ở nhiều trường đại học y dược.
Đối với các nhà trị liệu theo liệu pháp Judo, họ sẽ thúc đẩy khả năng tự phục hồi, làm phục hồi chức năng sớm của người bệnh thông qua các động tác nắn chỉnh, cố định, sau trị liệu. Đây cũng là phương pháp trị liệu bảo tồn với cốt lõi là trị liệu nguyên nhân đối với các tổn thương ở xương-khớp.
Phương pháp điều trị theo kỹ thuật liệu pháp Judo
Phương pháp nắn chỉnh: là liệu pháp bằng tay đưa xương bị lệch do gãy xương hoặc do trật khớp về vị trí ban đầu
Phương pháp cố định: băng bó, cuốn băng, bó bột, thanh nẹp
Phương pháp sau trị liệu:
Trị liệu bằng tay: Massage cảm ứng, phương pháp xoa nhẹ, phương pháp ép nén, phương pháp xoa bóp
Trị liệu vận động: vận động kéo dãn, luyện tập phục hồi khả năng vận động của xương khớp cơ bắp
Vật lý trị liệu: điện nhiệt nóng, làm lạnh, tia sáng, sóng siêu âm.
Các bước điều trị theo y học dựa trên kinh nghiệm của liệu pháp Judo có thể tiến hành như sau:
Câu hỏi chẩn đoán: dự đoán chấn thương bên ngoài từ cơ chế phát sinh
Các phương pháp kiểm tra như chẩn đoán bằng mắt: kiểm tra các triệu chứng cụ thể và triệu chứng chung của các chẩn đoán do ngoại lực. Xác định chấn thương do ngoại lực. Có thể chẩn đoán một cách chính xác nhờ y học dựa trên kinh nghiệm có trên 1000 năm.
Phương pháp nắn chỉnh: là liệu pháp bằng tay, đưa xương bị lệch do gãy xương hoặc do trật khớp về vị trí ban đầu.
Phương pháp cố định: Thực hiện cố định phù hợp với chấn thương do ngoại lực. Thực hiện trị liệu bằng tay sau khi xử lý ban đầu
Phương pháp sau trị liệu: Trong quá trình điều trị, thực hiện điều trị sau trị liệu mỗi lần đến thăm khám.
Và các kỹ thuật này có thể ứng dụng điều trị hiệu quả gãy xương cánh tay, trật khớp vai, bong gân khớp đầu gối, và rất hiệu quả trong sơ cấp cứu thiên tai thảm họa như động đất, chăm sóc người cao tuổi (có nhiều động tác giúp người cao tuổi mau chóng phục hồi chức năng cơ thể).
Kiến thức y học truyền lại trong dân gian từ ngàn đời xưa quả thật là thâm thúy và cho tới nay, thế hệ của chúng ta vẫn được thừa hưởng y thuật chữa bệnh mà không cần đến máy móc, không để lại sẹo của người xưa truyền lại.