Rất ít người biết trong mỗi ca mổ, nếu phẫu thuật viên chỉ làm việc khi tất cả các giai đoạn chuẩn bị cho phẫu thuật được hoàn tất thì còn một vị trí đóng vai trò quan trọng không kém. Nghề của họ được ví như bước thang để phẫu thuật viên lên đài danh vọng "bàn tay vàng". Họ thường “đi trước, về sau” trong mỗi cuộc phẫu thuật… Họ chính là bác sĩ, điều dưỡng làm công việc gây mê hồi sức
“Căng mình” vì người bệnh
Phòng mổ Trung tâm Gây mê và Hồi sức (BV Việt Đức) luôn bao trùm sự tĩnh lặng. Các y bác sĩ đang tập trung cao độ vào ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Chia sẻ với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức- BV Việt Đức cho biết, trong mỗi ca phẫu thuật, việc gây mê, gây tê, hồi sức cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường. Vì thế, bác sĩ gây mê phải bằng mọi cách tiên lượng để cuộc mổ an toàn, đánh giá tình trạng từng bệnh nhân không chỉ dựa vào các kiến thức mà còn bằng chính sự nhạy cảm và trải nghiệm nghề nghiệp.
Sau ca mổ, phẫu thuật viên đã có thể tháo găng, cởi đồ. Lúc này, bệnh nhân được chuyển qua Phòng Hồi sức và đương nhiên ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ. Theo GS.TS Nguyễn Quốc Kính, lúc này, những bệnh nhân bước vào “phần 2” của quá trình điều trị: Hồi sức, giảm đau sau mổ. “Đây là thời điểm bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, bất cứ sai lầm nào trong chăm sóc đều phải trả giá bằng sinh mạng. Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh đều khiến bác sĩ gây mê cũng như những thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân "vã mồ hôi hột""- GS.TS Kính cho biết.
26 năm công tác ở Phòng Hồi sức tích cực, Trung tâm Gây mê và Hồi sức - BV Việt Đức, nơi bệnh nhân được đưa vào luôn trong tình trạng cận kề cái chết, điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh luôn phải căng mình vì công việc. Đã có nhiều cái Tết, chị "được" đón giao thừa tại Phòng Hồi sức, "được" hiểu thế nào là giao thừa vắng lặng... Thế nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, chị bảo rằng những lúc đó mình lại càng đồng cảm hơn với người bệnh, người nhà bệnh nhân bởi tình trạng những người được chuyển đến đều khá nặng, ranh giới sống - chết rất mong manh. Nếu không cảm thông, đồng cảm với người bệnh và không chịu được áp lực công việc thì không thể tiếp tục được công việc.
Điều dưỡng Thanh cũng cho biết, ngoài những kiến thức thông thường như tiêm truyền, giúp người bệnh xoay trở, vệ sinh..., điều dưỡng hồi sức còn phải nắm chắc các kỹ thuật khác như: điện tim, hình ảnh thế nào là bất thường, thế nào là bệnh nhân đang dung nạp máy thở tốt, bất thường về bệnh, vết mổ nhiễm trùng… Bệnh nhân ở các khoa khác còn được người nhà vào chăm sóc nhưng ở Phòng Hồi sức tích cực, cần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân nên người nhà chỉ được vào chăm sóc trong khoảng thời gian nhất định, còn lại hầu hết vẫn phải do điều dưỡng. Hằng ngày, bệnh nhân được điều dưỡng viên chăm sóc từ việc vệ sinh như đánh răng, rửa mặt, buộc tóc, cắt tóc, thay bỉm… đến chuyện ăn uống và dĩ nhiên là cho thuốc, thay băng khi điều trị tại đây... Nhiều đồng nghiệp của chị ở các chuyên khoa khác khi chứng kiến "vất vả không diễn tả bằng lời" của điều dưỡng phòng Hồi sức đã rất chia sẻ và lại động viên chúng tôi.
Điều dưỡng Thanh kể, hầu như bệnh nhân điều trị ở đây là những bệnh nhân rất nặng, chi phí tốn kém. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho người thân chữa bệnh, có những gia đình phải bán cả trâu, bò, bán cả ruộng vườn để chạy chữa cho người bệnh, người nhà đi chăm sóc bệnh nhân thì ra một góc nhai mì gói, bánh mì khô khốc, cho qua bữa. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi xót xa lắm... “Chính vì thế chuyện các y bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Gây mê và Hồi sức thường xuyên dùng tiền cá nhân mua cơm trưa, hộp sữa, đồ chơi… cho người nhà bệnh nhân là thường tình. Thậm chí chúng tôi còn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh để báo cáo lãnh đạo, tìm cách kết nối, xin từ thiện tài trợ cho các bệnh nhân để họ có tiền điều trị...”- điều dưỡng Thanh chia sẻ.
Lặng lẽ dâng cho đời những sự sống hồi sinh…
Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Nguyễn Quốc Kính cho biết, hiện Trung tâm Gây mê và Hồi sức có trên 350 cán bộ, nhân viên - quy mô tương đương với một BV tuyến tỉnh. Hầu hết trong số họ đều các bác sĩ nội trú trở lên, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về gây mê, hồi sức; với điều dưỡng thì đa phần là cử nhân.
Với 43 phòng mổ hiện Trung tâm Gây mê và Hồi sức - BV Việt Đức mỗi ngày thực hiện 200 ca phẫu thuật, trong đó 2/3 là đại phẫu và đa chấn thương có nguy cơ tử vong. Không chỉ là nơi giảng dạy và thực hành gây mê hồi sức của nhiều cơ sở đào tạo, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến từ Hà Tĩnh trở ra, Trung tâm còn tham gia cùng với các thầy thuốc cứu chữa thành công nhiều trường hợp tai nạn, thảm họa hàng loạt như vụ đổ tàu E1 năm 2005, sập cầu treo Chu Va, tai nạn ô tô ở Lào Cai năm 2014.... Đặc biệt, các bác sĩ gây mê hồi sức đã đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của các ca ghép tạng từ người chết não của BV Việt Đức.
Điều dưỡng Phạm Đan Thanh kể thêm, ngoài tính chuyên nghiệp, khả năng làm việc nhóm, phẩm chất hàng đầu mà Trung tâm đặt ra cho nhân viên, đặc biệt là điều dưỡng là phải biết yêu thương bệnh nhân bởi các nhân viên y tế của Trung tâm chính là người gẫn gũi với bệnh nhân ở phòng Hồi sức nhất.
Gặp các bác sĩ, điều dưỡng của chuyên ngành gây mê hồi sức, nghe những câu chuyện họ kể, chứng kiến những công việc họ đang làm hàng ngày, tôi như càng thêm hiểu và cảm thông, chia sẻ với những vất vả, những đóng góp lặng thầm của họ trong cuộc chiến “hồi sinh mạng sống cho người bệnh sau các ca đại phẫu”. Họ luôn lặng thầm làm việc với khát khao cống hiến, với tất cả trách nhiệm dành cho người bệnh. Với những đóng góp nêu trên, hôm nay, 26/2- trước ngày lễ của ngành y- Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Trung tâm Gây mê và Hồi sức- BV Việt Đức được đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước này, có lẽ lại tiếp thêm sức mạnh cho họ- những thầy thuốc gây mê hồi sức tiếp tục cống hiến, tiếp tục làm việc để dâng cho đời những cuộc sống hồi sinh sau các ca đại phẫu…