Mở đầu khai mạc là các tiết mục múa lân, múa hoa đăng, biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế do các thành viên thuộc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế biểu diễn. Cùng với việc khai mạc trưng bày là lễ đón nhận hiện vật (bao gồm tranh Hưng Tổ miếu, gốm sành và tổng tập sắc phong Việt Nam) từ 2 cộng tác viên bảo tàng Nguyễn Hồng Trân và TS Phạm Dũng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Trưng bày lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ nội dung và có hệ thống về kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945). Đây là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.
Ấn Quốc Mẫu chi bảo thời Lê Trung Hưng - Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796)
Đặc biệt nhất là cuốn kim sách chất liệu vàng, chế tác vào năm 1806, năm thứ 5 đời vua Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn với trọng lượng 2,1kg. Theo sử sách ghi chép lại, vào tháng 5 năm Bính Dần, vua Gia Long lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hoà, kinh đô Huế. Bá quan văn võ dâng cuốn kim sách này để ca tụng công đức của ông. Hoàng đế Gia Long là người có công thống nhất quốc gia, sáng lập vương triều Nguyễn, xây dựng kinh đô Huế và đặt Quốc hiệu Việt Nam. Sách gồm 9 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 7 tờ ruột khắc sách văn.
. Kim sách chất liệu bạc mạ vàng Niên hiệu Bảo Đại thứ 9
Thuộc niên hiệu Minh Mệnh thứ 1 (1820), chất liệu vàng. Cuốn sách được hoàng đế Minh Mệnh sử dụng để ca tụng công đức và dâng tôn thụy cho hoàng phụ Gia Long: Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Võ Tuấn Đức Long Công Chí Nhân Đại Hiếu Cao Hoàng Đế, miếu hiệu Thế Tổ. Sách gồm 9 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 7 tờ ruột khắc sách văn.
Niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934), chất liệu bạc mạ vàng. Cuốn kim sách này được dùng ghi chép lại việc Hoàng đế Bảo Đại phong lập Hoàng hậu Nam Phương. Bà là Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị Hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Sách gồm 6 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 4 tờ ruột khắc sách văn.
Kim sách Niên hiệu Gia Long thứ 5 nặng 2,1kg
Kim sách Niên hiệu Hàm Nghi thứ 1 cùng Ấn Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu chi bảo (1885)
Kim sách niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845), chất liệu vàng. Sử sách chép ngày 9/6 năm Ất Tỵ, Hoàng đế Thiệu Trị thể theo "Đế hệ thi" của Thánh tổ Nhân tông đế Minh Mệnh, ban mỹ tự để đặt tên cho các hoàng tử, hoàng tôn nhằm phân biệt dòng đế và các dòng phiên cũng như thế thứ các đời con cháu về sau. Sách gồm 11 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 9 tờ ruột khắc sách văn.
Hộp đựng kim sách triều Nguyễn
Kim sách Niên hiệu Minh Mệnh thứ 1
Kim sách Niên hiệu Thiệu Trị thứ 5
Kim sách Niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882), chất liệu bạc mạ vàng. Theo sử sách ghi chép, hoàng đế Tự Đức giáng Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên xuống làm Trung phi do chưa chu toàn chăm lo công việc vua giao. Nhưng tháng 6 năm 1883, trước khi mất, Hoàng đế để lại di chiếu tôn phong bà làm Hoàng hậu. Theo di chiếu, Hoàng đế Hiệp Hòa đúc sách và ấn tôn bà là Khiêm Hoàng hậu. Sách gồm 5 tờ, 2 tờ bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 3 tờ ruột khắc sách văn.
Trưng bày diễn ra đến hết tháng 7/2016.