Nhiều tín đồ của rượu đã tin rằng cứ nhậu say đi rồi "làm" mấy viên thuốc giải rượu là sẽ qua được. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, quan niệm này rất sai lầm, bởi không có loại thuốc nào được gọi là "thần dược" để có thể giải rượu, thậm chí nếu lạm dụng thì không những rượu không giải được mà còn rước bệnh vào thân...
Vào viện vì lạm dụng thuốc giải rượu
Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SK&ĐS, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, trong đông y có một số bài thuốc hỗ trợ giải say rượu, bia hiệu quả và đơn giản. Đối với trường hợp cấp tính có thể dùng sắn dây. Sắn dây có vị ngọt, tính bình giúp giải cơ, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Người bị say rượu có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối. Hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn. Ngoài ra có thể dùng nước lá dong vắt uống. Đối với trường hợp mạn tính có thể dùng trà hoa tam thất... |
Hiện nay trên thị trường để mua được các thuốc quảng cáo là có tác dụng giải rượu không có gì là khó khăn, chỉ cần ra các hiệu thuốc là nhu cầu của các tín đồ lưu linh sẽ được đáp ứng ngay. Tại một quầy thuốc trên phố Ngọc Khánh, chị nhân viên bán hàng đã rất niềm nở giới thiệu một số tên thuốc khi thấy tôi đặt vấn đề mua thuốc giải rượu cho người thân, nào là viên uống Voskyo 3, rồi M Mewol-21, SAP- 21 hay RU-21... Cũng theo chị này ngoài những sản phẩm kể trên, để nhanh chóng cắt giảm cơn đau đầu do rượu có thể uống một số thuốc có tác dụng giảm đau như pamin, aspirin hay paracetamol...
Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai. |
Và, những nguy hại cho sức khỏe
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần khẳng định: "Thuốc giải rượu, bia không phải thần dược. Đây chỉ là thuốc hỗ trợ". Theo ông Tuấn, rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, người không tỉnh táo. Các thành phần trong thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của những loại thuốc giải rượu. Trong quá trình sử dụng người ta thấy rằng thuốc chỉ có tác dụng kháng cồn. Những thuốc mà đệ tử lưu linh coi là "thần dược" thực chất chỉ giúp người uống rượu giảm nhức đầu ở một mức độ hạn chế.
Cũng theo ông Tuấn, nhiều người cho rằng can thiệp nồng độ cồn bằng uống paracetamol, vitamin B1, B6, acid folic... là không đúng. Chẳng hạn, paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. "Uống rượu đã hại cho gan, lại dùng paracetamol để... giải rượu sẽ giống như con dao hai lưỡi. Cồn và thuốc cùng một lúc chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gây tương kỵ về mặt hóa học. Nếu vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp", TS. Tuấn cho biết. Aspirin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống vào cơ thế có rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia dành cho các "đệ tử lưu linh" là khi vào cơ thể, rượu xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh, làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở những vùng chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... Việc uống thuốc giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Vì vậy, người liên tục dùng thuốc và rượu sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi...
Thái Bình