Kỹ thuật hạ thân nhiệt toàn thân:Cứu tinh cho trẻ sinh ngạt

11-02-2012 09:10 | Y học 360
google news

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM - bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam vừa ứng dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt toàn thân để cấp cứu bệnh não sơ sinh thiếu ôxy thiếu máu cục bộ (sinh ngạt).

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM - bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam vừa ứng dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt toàn thân để cấp cứu bệnh não sơ sinh thiếu ôxy thiếu máu cục bộ (sinh ngạt). Đây là một thành công lớn của nền y học Việt Nam bởi có khoảng 3 - 5/1.000 trẻ sinh sống bị sinh ngạt và bệnh là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong sơ sinh và di chứng hàng đầu ở trẻ sơ sinh.

ThS.BS. Hồ Tấn Thanh Bình - Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh não sơ sinh thiếu ôxy thiếu máu cục bộ (sinh ngạt) là một trong ba nguyên nhân gây tử vong và di chứng hàng đầu ở sơ sinh (chiếm khoảng 23% trong tổng số trên 4 triệu trẻ tử vong sơ sinh mỗi năm trên toàn thế giới). Hiện nay, ở các nước phát triển Âu Mỹ dù với những tiến bộ trong chăm sóc trước và sau sinh, điều kiện trang thiết bị, nhân lực đầy đủ nhưng tỉ lệ ngạt vẫn còn khoảng 2/1.000 trẻ sinh sống. Trong khi ở các nước đang phát triển tỉ lệ này cao hơn (khoảng 3 - 5/1.000).
 Bệnh nhi L.P.U. được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt tại Khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng 1, TP. HCM.

Quá trình chuyển dạ và sinh là giai đoạn trẻ thay đổi môi trường sống từ trong tử cung ra thế giới bên ngoài, là giai đoạn nhiều nguy cơ trẻ bị tổn thương não do thiếu ôxy. Nguyên nhân có thể do bệnh lý của mẹ hoặc con, bất thường trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, hỗ trợ hồi sức trẻ sau sinh… Hậu quả dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não như chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não… với tỉ lệ 25 -75% ở nhóm ngạt mức độ trung bình đến nặng, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo ThS.BS. Hồ Tấn Thanh Bình, trước đây, vấn đề điều trị trẻ sinh ngạt không có biện pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Trẻ được hỗ trợ về hô hấp với ôxy, máy thở; hỗ trợ về tim mạch bằng thuốc, an thần chống co giật, dinh dưỡng trẻ qua đường tĩnh mạch… Các tổn thương thiếu ôxy ở các cơ quan như tim, gan, thận có thể phục hồi. Tuy nhiên, tổn thương não là không thể. Từ năm 2002 - 2005, các nghiên cứu ứng dụng hạ thân nhiệt đa trung tâm, đa quốc gia đã bắt đầu được thực hiện ở Mỹ, châu Âu và Úc… cho đến nay đã chứng minh có hiệu quả trong điều trị trẻ sinh ngạt giảm tử vong, giảm di chứng khoảng 15%. Hạ thân nhiệt toàn thân là đưa nhiệt độ trẻ về 33 - 34oC trong 72 giờ liên tục giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu ôxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.

L.P.U. là trẻ sơ sinh đầu tiên ở Việt Nam được ThS. Hồ Tấn Thanh Bình cùng cộng sự áp dụng thành công kỹ thuật này. Bé sinh đủ tháng (41 tuần), cân nặng lúc sinh 3,6kg, có dấu hiệu suy thai trong chuyển dạ nên được xử trí mổ cấp cứu. L.P.U. sinh ra với chỉ số Apgar rất thấp < 3 (đây là chỉ số đánh giá khả năng thích nghi của trẻ với môi trường bên ngoài), bé được hồi sức tích cực, đặt nội khí quản giúp thở và chuyển đến BV Nhi đồng 1. Tại Khoa Hồi sức sơ sinh, L.P.U. được đánh giá ngạt trung bình đến nặng với biểu hiện mê, co gồng, không có phản xạ bú nuốt. Bác sĩ đã tiến hành hạ thân nhiệt xuống 33,5oC lúc 4 giờ tuổi và liên tục trong 72 giờ. Trong thời gian hạ thân nhiệt, bệnh nhi ổn định về hô hấp và huyết áp, giảm co gồng. Bệnh diễn tiến tốt sau đó, bé tỉnh, bú sữa hoàn toàn và xuất viện lúc 12 ngày tuổi. Hiện trẻ được bác sĩ hẹn tái khám và theo dõi tiếp theo để hỗ trợ phát triển tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, ThS. Bình khuyến cáo, biện pháp này cần được áp dụng sớm cho trẻ ngay sau sinh, trước 6 giờ tuổi mới có hiệu quả và trẻ cần được điều trị tại các trung tâm sơ sinh chuyên sâu và theo dõi sát trong thời gian điều trị để hỗ trợ trẻ về hô hấp và tuần hoàn kịp thời. Sau 72 giờ, trẻ sẽ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường, trẻ tiếp tục được điều trị theo dõi đến xuất viện và cần tái khám lúc 2 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng tuổi để theo dõi về phát triển tâm thần vận động kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt.  

 

  Bài & ảnh: Nguyễn Huyền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn