Kỹ thuật chuyển gốc động mạch tại BV Nhi TW đã cứu sống hàng trăm trẻ bị tim bẩm sinh

17-02-2017 16:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin tại Hội nghị "Cập nhật trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bệnh lý van tim và loạn nhịp tim" diễn ra trong 2 ngày 16-17/2, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chuyển gốc động mạch là một phẫu thuật phức tạp nhưng là cơ hội cuối cùng để cứu trẻ mắc dị tật về tim bẩm sinh.

 

Theo TS Trường, với kỹ thuật khó này, hiện nay Trung tâm tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện được 263 trường hợp. Trong tổng số trẻ được phẫu thuật chuyển gốc động mạch, có 17 trường hợp (chiếm 6,5%) tử vong tại Bệnh viện, 5 trường hợp (1,9%) tử vong muộn. Các ca còn lại, theo dõi lâu dài sau phẫu thuật với thời gian từ 16,9 tháng – 27,3 tháng thì chỉ có 7 trường hợp phải mổ lại. Chuyển gốc động mạch là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng lại là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm.

Được biết, tại Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh  viện Nhi Trung ương, tỷ lệ "sửa chữa" thành công cho bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này hiện nay đã đạt được gần 92%. Trước năm 2010, phần lớn các cháu bé nhập viện với bệnh lý này đều tử vong do không có khả năng phẫu thuật hoặc phải ra nước ngoài để được phẫu thuật. Đây là thành công đáng khích lệ với tỷ lệ sống sót cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan (90%) mặc dù điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, trẻ bị dị tật chuyển gốc động mạch chiếm khoảng 5 - 7% số trẻ bị dị tật tim. Nếu không được phát hiện kịp thời, tỉ lệ tử vong là 30% trong tuần đầu sinh ra, 50% trong tháng đầu và 90% tử vong trong năm đầu tiên. Trong khi đó, việc điều trị nội khoa bằng thuốc chỉ đạt hiệu quả đến một lúc nào đó, thường là trước 45 ngày tuổi, còn sau đó, bệnh nhi bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật, trả gốc động mạch về đúng vị trí thì mới có thể duy trì tuần hoàn máu tốt nuôi dưỡng cơ thể. Điều này cho thấy kết quả phẫu thuật chuẩn gốc động mạch là khả quan. Các chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực trong chuyên ngành tim mạch trẻ em tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về kỹ thuật chuyển gốc động mạch.

Một ca chuyển gốc động mạch cho trẻ bị tim bẩm sinh được thực hiện tại Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương

Đây là hội nghị đầu tiên do Trung tâm tim mạch trẻ em- Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em đồng tổ chức đã thu hút được hơn 300 bác sỹ tim mạch từ các bệnh viện trên cả nước và cả các chuyên gia nước ngoài tới tham dự, trong đó  có sự tham dự của hơn 10 báo cáo viên quốc tế là chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực trong chuyên ngành tim mạch trẻ em tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia . . . cùng với các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực phẫu thuật bệnh lý tim mạch và các bệnh tim bẩm sinh của Việt Nam.

Tại Hội nghị, giáo sư Lee Heung Jae, Shunji Sano, giáo sư Jun Tae-Gook. . . cũng như chuyên gia tim mạch trong cả nước sẽ chia sẻ và trình bày rất nhiều kinh nghiệm về các vấn đề có liên quan trực tiếp tới chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, các bệnh lý van tim cũng như phương pháp điều trị các rối loạn nhịp tim cho trẻ em.

Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm Tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương với các trung tâm đào tạo hàng đầu khu vực như Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản), chất lượng chẩn đoán cũng như điều trị cho các trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim và các rối loạn nhịp tim tại Việt Nam chắc chắn sẽ được tăng cường và đảm bảo thành công hơn nữa…


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn