Chỉ 5 phút ra đủ loại bệnh
Từ thông tin của bạn đọc, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống tìm đến ngôi nhà trong ngõ 106 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội.
Trong vai người có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, phóng viên đến địa chỉ trên. Bên ngoài có tấm biển đề Viện khoa học chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Nghiên cứu - Chuyển giao - Công nghệ - Dịch vụ sức khỏe.
Theo quan sát, hoạt động tư vấn, đo chỉ số cơ thể của cơ sở này được thực hiện ở tầng 1. Trang thiết bị có hai "máy đo chỉ số cơ thể" (theo cách gọi của những người làm việc ở đây), máy tính xách tay và một bảng đo thị lực mắt. Trong phòng còn có một tủ kính trưng bày các sản phẩm giống như thực phẩm chức năng nhưng không có bảng niêm yết giá.
Khi phóng viên đến đây, có 4 người đang khoác áo blouse trắng, không đeo biển tên. Ngoài ra, một vài người cao tuổi đang ngồi ở đó, người đang được đo thị lực, người thì đang được tư vấn sản phẩm.
Một người phụ nữ khoác áo blouse chỉ dẫn tôi vào bàn điền vào phiếu đăng ký khám với họ tên, tuổi, số điện thoại, chiều cao và cân nặng. Người này cho biết, ở đây chỉ khám miễn phí cho những người trong Hội Cựu chiến binh. Thế nhưng do tôi đã đến tận đây nên được cho khám miễn phí.
Tiếp theo, một người đàn ông cũng khoác áo blouse hướng dẫn tôi cách nắm vào tay cầm của một dụng cụ để khám. Khi phóng viên hỏi thiết bị gì thì người này cho biết, đây là "máy đo chỉ số cơ thể".
Khi tôi nắm vào tay cầm của thiết bị, trên chiếc máy tính bắt đầu hiển thị các chỉ số cơ thể bằng tiếng Việt. Với những chỉ số hiển thị trên máy tính, người đàn ông này nhìn qua và thông báo tôi đã bị máu nhiễm mỡ, thiếu canxi, bị bệnh dạ dày và có dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa…
Sau đó, tôi được giới thiệu sang bàn bên cạnh có người tư vấn thêm. Người tư vấn này là một nam giới cũng mặc áo blouse, trên mặt bàn bày nhiều hộp thực phẩm chức năng.
Tại đây, tôi được tư vấn cần bổ sung canxi với sản phẩm Canxi Nano MK7 Golden có giá 160.000 đồng/hộp, sản phẩm Hầu Thủ Vương cho bệnh dạ dày có giá 350.000 đồng/hộp. Một liệu trình cho bệnh dạ dày bao gồm 3 hộp trị giá 1.050.000 đồng.
Lấy lí do cần xem lại các loại bệnh, tôi từ chối và ra về. Khi ra cửa, tôi được tặng một gói thảo dược ngâm chân, tuy nhiên chỉ được đóng gói trong túi nilong, không có nhãn mác.
Ngày hôm sau, với lý do cần mua sản phẩm bổ sung canxi tôi tìm đến địa chỉ hôm trước. Tiếp tôi vẫn là người đàn ông hôm qua. Khi ngỏ ý muốn mua sản phẩm Canxi Nano MK7 Golden với giá được thông báo là 160.000 đồng/hộp, tôi được đưa cho hộp sản phẩm. Cầm sản phẩm trên tay, tôi không tìm thấy giá bán được niêm yết trên vỏ hộp.
Sau khi chuyển khoản trả tiền, bước ra ngoài, người đàn ông vừa bán sản phẩm đi ra ngồi bên cạnh tư vấn thêm cho tôi về liệu trình cho bệnh dạ dày. Ông này giới thiệu về sản phẩm: "Được bào chế từ nấm hầu thủ đầu tiên tại Việt Nam hay còn gọi là nấm đầu khỉ dùng cho dạ dày, xử lý một số bệnh cho phụ nữ và các bệnh phụ khoa".
Đắn đo về giá sản phẩm còn cao, tôi muốn được giảm, người đàn ông này nói: "Ở đây hầu như là không bán thuốc, không có lãi lờ gì. Quan trọng là có hiệu quả không, phù hợp với mình hay không. Với bệnh dạ dày không phải là đắt....".
Bác sĩ nói gì về máy "chẩn đoán" bệnh 5 phút?
Đem hình ảnh máy, hộp sản phẩm đã mua, kèm "Báo cáo toàn diện" về các chỉ số đo được đến ThS. Bác sĩ nội trú Phan Hữu Kiệm đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội, tôi được bác sĩ giải thích: "Máy móc chỉ là hình thức, còn cái chính là họ tạo sự chuyên nghiệp để lấy lòng tin nhằm mục đích cuối là bán sản phẩm, thực phẩm chức năng. Nếu chỉ cầm nắm như thiết bị kia mà ra được các chỉ số đó thì người dân tại sao phải đến các bệnh viện lớn khám bệnh để làm gì!".
Theo ThS. Bác sĩ nội trú Phan Hữu Kiệm: "Trong y khoa có hai loại thiếu hụt canxi trong xương và máu. Nếu hụt canxi trong hệ thống xương phải đo mật độ xương, chụp X-quang xem có bị loãng xương hay không. Còn thiếu hụt canxi trong máu phải xem canxi ion hóa như thế nào? Có những người thiếu hụt canxi toàn phần, có những người thiếu hụt canxi ion hóa. Về bệnh máu nhiễm mỡ cũng như vậy, phải xét nghiệm máu. Các bệnh lý dạ dày phải nội soi".
ThS. Bác sĩ nội trú Phan Hữu Kiệm cảnh báo, một số người dân thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cùng với tâm lý ngại đến bệnh viện để thăm khám… nên khi được giới thiệu thiết bị cùng một lúc cho ra nhiều chỉ số đo về cơ thể nên "hào hứng" với việc này.
"Người dân khi có nhu cầu khám và chữa bệnh, cần đến các cơ sở y tế uy tín. Tuyệt đối không được tự ý mua thực phẩm chức năng, thuốc điều trị khi chưa có sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ", ThS. Bác sĩ nội trú Phan Hữu Kiệm đề nghị.
Kinh doanh TPCN cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế
Về điều kiện cơ sở được phép kinh doanh TPCN, Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, căn cứ Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, kinh doanh thực phẩm chức năng là một trong các loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế xem xét và quyết định dựa theo các tiêu chuẩn do Luật ban hành. Theo đó, để kinh doanh thực phẩm chức năng cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế đề ra, cụ thể:
Thứ nhất, phải đáp ứng về điều kiện đăng ký ngành nghề kinh doanh:
Cơ sở muốn kinh doanh thực phẩm chức năng có thể thành lập công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể để đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng. Sau khi đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng, chủ cơ sở kinh doanh và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm chức năng phải tham gia và có Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận.
Thứ hai, về điều kiện về Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
Căn cứ Điều 36 Luật An toàn thực phẩm và Khoản 3 Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng phải nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, về điều kiện công bố thực phẩm chức năng:
Căn cứ Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học phải đăng ký bản công bố sản phẩm gửi tới Bộ Y tế.
Thứ tư, về điều kiện về quảng cáo sản phẩm:
Việc quảng cáo tại cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng cũng chịu sự quản lý nghiêm ngặt của pháp luật. Cụ thể, đối với việc dán poster quảng cáo tại cơ sở: Cơ sở kinh doanh phải thực hiện thủ tục xin phép thẩm định các nội dung trên poster quảng cáo thực phẩm chức năng của cơ quan Y tế và chỉ được phép quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định.
Điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh nêu trên tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.