Khó khăn của Tập đoàn Bảo Long cũng là khó khăn chung của đa số các doanh nghiệp (DN) hiện nay. Với Tập đoàn Y dược Bảo Long cũng vậy. Đặc biệt, khi Bảo Long là một tập đoàn liên quan đến sự nghiệp y học cổ truyền của dân tộc. Và trước hết, cần có sự "mở cửa” với Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai.
Gỡ từ những vướng mắc trong bản hợp đồng
Theo dõi sự tranh chấp một vụ việc giữa hai tập đoàn lớn: Bảo Long và Bảo Sơn, tìm hiểu bản hợp đồng mua bán, người ta cũng thấy sự mập mờ, không rõ ràng ở đây. Không rõ ràng từ câu chữ, từ nội dung. Ai cũng biết rằng, dù chỉ mua bán một vật có giá trị nhỏ, nhưng cũng phải "thuận mua, vừa bán”, đằng này là sự thoả thuận của hai tập đoàn lớn, chuyển nhượng cả công ty, bệnh viện, thương hiệu... Vì sao trong hợp đồng ghi nội dung từ vốn góp, tài sản, thương hiệu...; giá cả phần chung cũng ghi cả vốn góp, tài sản, thương hiệu..., nhưng khi đi vào nội dung cụ thể thì lại chỉ nêu có giá đất, giá tài sản trên đất? Nếu phần cụ thể không ghi các khoản khác như giá thương hiệu thì cũng phải có điều khoản ghi thêm.v.v.
Theo Luật sư Tạ Quốc Cường – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sự thật: Việc Cơ quan an ninh điều tra ban hành Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam và Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định này thì có thể họ đã có những căn cứ nhất định để tiến hành. Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Hữu Khai bị khởi tố xuất phát từ một Hợp đồng kinh tế được ký giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn. Trong Hợp đồng này cũng còn nhiều điều đáng bàn và các cơ quan tố tụng cần hết sức cẩn trọng trong việc làm của mình để đảm bảo đúng pháp luật. Theo đó, Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và đất đai nhà xưởng của Bảo Long với Bảo Sơn soạn thảo và thực hiện chưa tuân thủ quy chế, nguyên tắc luật pháp; Việc chuyển nhượng đất dự án thuê của Nhà nước chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Việc chuyển nhượng cổ phần chưa tính giá trị thực của cổ phiếu khi chuyển nhượng, chưa thông qua đại hội đồng cổ đông; Việc chuyển nhượng (bán nhà, xưởng) không viết hóa đơn, không có thủ tục mua bán hợp pháp; Trong tổng diện tích đất chuyển nhượng có cả đất nông nghiệp và có cả đất là chủ quyền của cá nhân không thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long. Thật khó hiểu vì cả hai lãnh đạo Tập đoàn đều là những người có tên tuổi và tài giỏi, vậy mà những yếu tố trên lại không được xem xét kỹ. Việc thay tên, đổi chủ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Sơn cũng chưa được ngành y tế phê duyệt và đơn vị cũ (Bảo Long) chưa quyết toán thuế Nhà nước và chưa hoàn tất việc thanh toán công nợ… Chữ nghĩa văn bản nhiều điều khoản không rõ ràng dẫn tới tranh chấp…! Với hợp đồng mua bán chuyển nhượng thì phải có hoá đơn, phải có văn bản bàn giao, phải có văn bản thanh lí hợp đồng…
Và để giải quyết vấn đề trên rất cần sự xem xét thấu đáo của cơ quan chức năng, sự ngồi lại, thương thảo của lãnh đạo hai bên Tập đoàn này để giải quyết rốt ráo vấn đề.
Đến những chính sách, quy định của pháp luật
Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Long hiện nay, việc Lương y, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Khai bị bắt đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và khám chữa bệnh của Bảo Long, đồng thời là một cú sốc rất lớn đến tinh thần, tâm lý cán bộ, công nhân viên và học sinh của Tập đoàn này. Việc kinh doanh, khám chữa bệnh cũng càng thêm khó khăn. Ngay từ khi tranh chấp giữa Bảo Long và Bảo Sơn xảy ra, doanh thu của Bảo Long đã giảm sút cả chục lần. Số lượng cán bộ, công nhân viên hiện chỉ còn khoảng 200 người, giảm 5 lần so với trước đây. Trong tình hình trên Tập đoàn Bảo Long đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Mặc dù trước đó, Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai, khi trao đổi với báo chí, vẫn lạc quan, hy vọng vào tương lai. Thế nhưng, bây giờ không còn là cái thời như khi Lương y Nguyễn Hữu Khai không còn đồng vốn phải dạt vào Nam kiếm kế; không phải cái lúc ông đơn độc như thuở còn là sinh viên. Nhưng cũng có một thực tế nghiệt ngã là ông không còn trẻ, nhất là hiện nay ông lại đang bị cơ quan công an bắt tạm giam, khi một vụ việc dân sự đang hoá thành hình sự.
Trong vụ việc trên, nhiều người băn khoăn liệu việc bắt tạm giam Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai có thỏa đáng, đúng theo quy định của pháp luật? Đành rằng theo quy trình, Công an khởi tố, Viện kiểm sát phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam…Vậy nhưng, như chúng tôi đã nêu, vụ việc xuất phát từ chỗ tranh chấp dân sự. Vấn đề "sử dụng trái phép” ở đây cũng còn phải bàn. Ông Khai lại không phải là người sử dụng trực tiếp. Ở đây, ngay cả khi vụ việc chuyển giải quyết hình sự thì liệu đã phải bắt tạm giam Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai?
Luật hình sự coi việc bắt người phạm pháp là hành vi tích cực loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tuy nhiên, biện pháp vũ lực mà nhà chức trách sử dụng đối với người phạm tội phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm pháp, phù hợp với tính chất, mức độ của sự chống cự của người phạm tội. Luật Tố tụng hình sự quy định việc bắt tạm giam với các đối tượng bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Luật cũng quy định với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai, hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp đặc biệt.
Với quá trình nhân thân, sự nghiệp, những thành tích đóng góp cho xã hội và bản chất vụ việc như chúng tôi đã nêu, rất cần xem xét lại từ bản hợp đồng cho đến việc tạm giam Lương y Nguyễn Hữu Khai. Chỉ riêng vấn đề lương y đang tiếp tục hành nghề cứu giúp cho các bệnh nhân, sao có thể coi là "nguy hiểm” cho xã hội? Tuổi ông cũng đã cao. Nhất là từ khi xảy ra vụ tranh chấp, sức khỏe suy sụp, đặc biệt là về mặt tinh thần… Lẽ nào đây là một trường hợp "đặc biệt”?
Để cứu vãn một tập đoàn, cứu nền y học dân tộc đang phát triển, rất cần sự đồng tâm, hợp sức của các DN y học cổ truyền, sự hợp tác thực sự của các DN thiện tâm với sự nghiệp y học dân tộc, nhất là cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Và điều trước mắt là các cơ quan chức năng cần xem xét sự việc một cách công tâm, sớm "mở cửa” cho Lương y Nguyễn Hữu Khai được tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người.
Theo Đại đoàn kết