Kiến trúc sư từng thiết kế rạp xiếc Trung ương ra hồi ký

17-05-2021 15:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông Hoàng Hữu Phê, kiến trúc sư thiết kế rạp xiếc Trung ương đồng thời đã từng được giải văn học dịch với tiểu thuyết "Thao thức" của A. Kron, được bạn đọc nước ta đón nhận nồng nhiệt như một tín hiệu của đổi mới sau những năm tháng nặng nề nhất thời hậu chiến.

Không ngại mình là cậu học trò tỉnh lẻ, không ngại mình là một du học sinh ra đi từ một đất nước đang có chiến tranh, không ngại định kiến, thách thức, Hoàng Hữu Phê (1954) chọn cho mình một con đường không hề dễ dàng và gặt hái được thành tựu không hề nhỏ: ông được tặng giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu đô thị, Urban Studies, cùng với Giáo sư Patrick Wakely (UCL), cho công trình về lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO).

>>> Xem thêm: 'Mùa hoa tìm lại' nối sóng 'Hướng dương ngược nắng' có gì nóng?

 

Bìa cuốn Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề

 

Tại Việt Nam, Hoàng Hữu Phê tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình, trong số đó có rạp xiếc Trung ương tại Hà Nội, nhà học Đại học Cần Thơ, trụ sở viện Dầu khí, các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà, cùng rất nhiều công trình khác, đặc biệt là nhà cao tầng, tại Hà Nội và các thành phố trong cả nước.

Những câu chuyện được luận bàn rôm rả ở Hà Nội một thời, như ý tưởng phố đi bộ, xây nhà chung cư khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, mở rộng Hà Nội… đều liên quan đến ông – một kiến trúc sư có nhiều trải nghiệm về thế giới rộng lớn bên ngoài và mong muốn làm nhiều hơn cho các thành phố ở Việt Nam thông qua các đóng góp về lý thuyết cấu trúc đô thị.

 

 

Hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề là câu chuyện về quá trình trưởng thành của một cậu bé tỉnh lẻ đã sống qua chiến tranh phá hoại khốc liệt ở khu Bốn và những năm tháng là du học sinh, khám phá kiến thức cùng những điều mới mẻ từ các nền văn hóa khác, thông qua một tập hợp ngẫu nhiên và lạ lùng của các nơi chốn, từ những địa danh bom đạn ác liệt của Quảng Bình cho đến các khung cảnh đô thị đặc trưng, lần lượt tại Đồng Hới, Hà Nội, Kiev, Bangkok và London.

Như môt sự trớ trêu của số phận, cậu bé tỉnh lẻ, vốn cảm thấy thoải mái nhất khi sống giữa bạt ngàn cây cỏ không tên ở các khu rừng nhiệt đới dọc theo dãy Trường Sơn, từng đạt giải dịch văn học với cuốn Thao Thức, cuối cùng lại trở nên gắn bó không thể tách rời với công việc chính của đời mình, là nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực cấu trúc đô thị.

Thiết kế rạp xiếc Trung ương và câu chuyện về đam mê


...Sau khi Bộ Văn hóa ký hợp đồng thiết kế rạp xiếc với Viện nghiên cứu thiết kế trường học là cơ quan lúc bấy giờ của tôi, nhóm kiến trúc do tôi đứng đầu đã bắt đầu một đợt làm việc có lẽ là với cường độ cao nhất so với bất kỳ thời gian nào khác trong suốt cuộc đời hành nghề của tôi.


Không chỉ có một đêm chúng tôi đã thức trắng để vẽ, với điếu thuốc lá thường trực trên môi. Có hôm đến gần sáng thì tất cả mấy bao thuốc đều hết, thèm thuốc quá chúng tôi phải càn quét tất cả các góc nhà để tìm và hút lại các đầu mẩu thuốc chính mình đã vứt đi vào lúc chập tối.
 

Vào khoảng đêm thứ hai thứ ba gì đó trong đợt làm bản vẽ thiết kế sơ bộ (lúc bấy giờ chưa có định nghĩa về bản vẽ cơ sở), tôi bỗng nhớ ra là mình có một cái nhọt đang sưng đau nhức ở bắp chân trái. Chủ quan, tôi cứ để như thế và tiếp tục làm cho đến gần sáng, kết quả là cái nhọt càng ngày càng sưng tấy lên, cho đến lúc cảm thấy đau nhói không thể chịu đựng được nữa, tôi cúi xuống định vén gấu quần lên xem thì tình hình đã quá muộn, phải dùng kéo cắt toàn bộ ống quần để băng bó và chờ trời sáng hẳn để gọi xích lô đến bệnh viện Saint Paul chờ xử lý bằng tiểu phẫu sau khi phun nước oxy già. Khỏi phải nói, đó đã là những giây phút đau đớn như chưa bao giờ tôi từng phải chịu đựng trong đời.
 

Thật buồn cười, mỗi khi vết sẹo phẫu thuật ấy của tôi bị tấy lên là y như rằng lại có vấn đề kỹ thuật nào đó phải giải quyết với thiết kế rạp xiếc, mãi cho đến năm 1992 khi công trình khánh thành mới thôi.


Giáo sư Nguyễn Mạnh Kiểm, sau này là Bộ trưởng Xây dựng, đã cho tôi biết, khi gặp tôi ở Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) nơi tôi theo học khóa MSc về phát triển định cư vào cuối những năm 1980s, là công trình thi công rạp xiếc Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, đang được thi công, và vào khoảng 1997 ở London, ông thông báo với tôi là công trình đã hoàn thành 1992 và được tặng huy chương vàng về chất lượng.


Có lẽ chỉ sau khi biết tin đó, tôi mới hết lo canh cánh về số phận một công trình mà khi nghĩ lại thì quả là có quá sức mình, nhất là khi trước đó chúng tôi, cũng như tất cả ngành xây dựng vào những năm đói kém ấy, đã không có cơ hội làm nhiều công trình để luyện tập, như lớp kiến trúc sư trẻ may mắn bây giờ”.

(Trích hồi ký 'Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề')

Phạm Hoa
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn