Khi người dân đẩy lùi tập tục lạc hậu

22-02-2010 08:10 | Thời sự
google news

Hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông một mình "vượt cạn" ở lều nương ngoài rừng theo tập tục giờ đây hầu như không còn, tập tục mời thầy mo, thầy cúng về "đuổi ma bệnh"

Hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông một mình "vượt cạn" ở lều nương ngoài rừng theo tập tục giờ đây hầu như không còn, tập tục mời thầy mo, thầy cúng về "đuổi ma bệnh" cũng không còn hiện hữu trong cộng đồng người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, các bà mẹ dân tộc thiểu số mang thai đã được tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát gói đẻ sạch; nếu có hiện tượng khó sinh được các y, bác sỹ chăm sóc tại các trung tâm y tế, trạm y tế xã. Trẻ em sau sinh được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn, phát triển toàn diện thể lực, trí tuệ. Thành quả này do ngành y tế Điện Biên thực hiện tốt Chương trình quốc gia "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh".

 Khám, tư vấn sức khỏe cho bà mẹ tại Trạm y tế xã Chà Nưa (Mường Chà - Điện Biên).Ảnh: P.Văn

Đồng hành cùng người dân

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế thôn bản còn rất hạn chế đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến công tác CSSKSS. Mặt khác, nhận thức của người dân, nhất là bà con ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề CSSKSS vẫn chưa được sâu rộng nên tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hàng năm tương đối cao. Vì vậy, việc triển khai Chương trình quốc gia "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh" tại Điện Biên có ý nghĩa lớn, cải thiện điều kiện làm mẹ, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Bởi hiện một bộ phận dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh đẻ dầy, sinh đông con làm kiệt quệ sức khỏe, dễ mắc các bệnh phụ khoa, ảnh hưởng giống nòi.

Để Chương trình đạt hiệu quả cao, ngành y tế Điện Biên thường xuyên tổ chức chiến dịch CSSKSS tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi ít tiếp xúc với dịch vụ y tế, tư vấn sức khỏe cho các bà mẹ, khám thai định kỳ, chăm sóc thai nghén, chống suy dinh dưỡng trẻ từ trong bào thai... Mặc dù, lực lượng cán bộ y tế làm công tác CSSKSS "mỏng", chương trình lại triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh nhưng do bố trí nhân lực hợp lý nên công việc tương đối hiệu quả. "Bước chân" của đội ngũ làm công tác dân số có mặt ở tất các các địa bàn, đối tượng là các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh. Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền với phương châm "mưa dầm, thấm lâu" đến nay, hàng năm toàn tỉnh có tới 17.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa. Gần 62% phụ nữ mang thai được thăm khám sau đẻ và 75,1% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế. Quan trọng nhất, hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông một mình "vượt cạn" ở lều nương ngoài rừng theo tập tục giờ đây hầu như không còn, tập tục mời thầy mo, thầy cúng về "đuổi ma bệnh" cũng không còn hiện hữu trong cộng đồng người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Các bà mẹ dân tộc thiểu số mang thai đã được tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát gói đẻ sạch, nếu có hiện tượng khó sinh được y bác sĩ chăm sóc tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, trẻ sau sinh được chăm sóc, theo dõi sức khỏe...

 Truyền thông về SKSS cho bà đỡ thôn bản tại Trung tâm CSSKSS Điện Biên.    Ảnh: Hữu Khanh

Hiện thực hóa nhờ Chương trình

Theo bà Hoàng Thị Tỉnh, Giám đốc Trung tâm CSSKSS Điện Biên: Triển khai Chương trình quốc gia "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh" đã tăng cường kiến thức thiết yếu, cơ bản cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng; khuyến khích và hỗ trợ mọi người tham gia tích cực trong công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đây cũng là một trong những cơ hội để ngành y tế Điện Biên xây dựng mạng lưới y tế, đáp ứng khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đầy đủ về chăm sóc sức khỏe cho tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Qua đó, cán bộ y tế làm công tác CSSKSS có cơ hội được nâng cao tay nghề về kỹ năng tuyên truyền công tác làm mẹ an toàn, nhất là ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, hầu hết đội ngũ làm công tác này chủ yếu là phụ nữ. Họ không những là cán bộ công tác dân số mà kiêm luôn cán bộ dân vận, kiên trì bám bản, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Dự án, chia sẻ với nhân dân dịch vụ y tế...

Chính nhờ triển khai Chương trình này, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác CSSKSS từ tỉnh đến thôn, bản đã được quan tâm đúng mức. Đến nay, 20 bà đỡ thôn bản được lựa chọn đầu vào tại cơ sở, với chương trình đào tạo bài bản về chăm sóc phụ nữ mang thai, khám thai, dự báo ngày sinh, đỡ đẻ...như: kinh nghiệm đỡ đẻ, nhất là những ca khó sinh; chăm sóc trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi, 1 tháng tuổi và 1 năm... Hàng trăm y sĩ, y tá thôn, bản được đào tạo lại kiến thức CSSKSS, trẻ sơ sinh. Hiện 100% các xã có trạm y tế đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe các bà mẹ, trẻ em.

Nguyễn Liên - Phổ Thế


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn