Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc và được đón nhận một cách nghiêm túc. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.
Còn tại Việt Nam, một số bạn trẻ còn có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng sức khỏe bình thường nên không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp sau khi bác sĩ khám cho lại tìm ra một loạt vấn đề tồn tại của sức khỏe.
Chia sẻ về lý do các cặp đôi trước khi kết hôn, BSCKII Phạm Thuý Nga - Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, việc các cặp đôi đi khám trước khi kết hôn là việc làm vô cùng cần thiết. Khi đến khám tiền hôn nhân tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chẳng hạn, ngoài khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản, cặp đôi còn được tầm soát các bệnh lý di truyền, các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng cũng như con cái sau này. Các cặp vợ chồng chưa muốn có con được sẽ tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình...
Cũng theo BSCKII Phạm Thuý Nga, các bạn trẻ cần đi khám tiền hôn nhân là bởi nếu có bệnh lý toàn thân, bệnh lý mạn tính thì sẽ được điều trị để có một sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Nếu một trong hai người bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì sẽ có khoảng thời gian để bác sĩ điều trị cho dứt điểm, tránh lây nhiễm cho người bạn đời. Trên thực tế, nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đều không mắc bệnh di truyền nhưng cả 2 đều là người lành mang gen bệnh. Những trường hợp này, con sinh ra có thể mang cả 2 gen bệnh của bố, mẹ và sẽ mang bệnh di truyền..
BSCKII Phạm Thuý Nga khẳng định, 6 tháng trước hôn nhân là "thời điểm vàng" để các cặp đôi tiến hành khám tiền hôn nhân. Trường hợp không may phát hiện các dấu hiệu bất thường thì 6 tháng là thời gian đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị dứt điểm các vấn đề sức khỏe đang tồn tại. Ngoài ra, 6 tháng là hết "giai đoạn cửa sổ", nếu 1 trong 2 người hoặc cả 2 mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,… thì hết giai đoạn cửa sổ này xét nghiệm sẽ phản ánh chính xác nhất.
Trên thực tế, hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn ở nước ta đã được triển khai từ lâu và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai hoạt động về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn từ năm 2003.
Ngày 07/01/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân" tại Quyết định số 25/QĐ-BYT đã quy định rõ các nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân, cụ thể như sau:
- Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.
- Khám lâm sàng theo các chuyên khoa: Ở nữ giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội về sản khoa, phụ khoa), khám vú, khám bộ phận sinh dục ngoài, thăm khám âm đạo khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và được đồng ý của khách hàng. Ở nam giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội, ngoại về chấn thương, viêm tinh hoàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật), khám bộ phận sinh dục và thăm khám trực tràng khi cần thiết.
- Khám cận lâm sàng: Bao gồm chụp X quang tim, phổi; Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo (nữ giới) và dịch niệu đạo. Các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.
Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Có nhiều địa chỉ để khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa phương như: Bệnh viện phụ sản, bệnh viện đa khoa, Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản…