Đó là một kỷ lục mới về tốc độ viết sách, phá kỷ lục cũ của nhà văn Đỗ Bích Thúy từng lập ra - viết xong cuốn tiểu thuyết trong 17 ngày. Hẳn rằng cô gái 33 tuổi này phải có “sức khỏe não” khác thường...
Điều gì thôi thúc bạn viết cuốn tiểu thuyết Nguyên khí ngàn đời?
Nguyên khí ngàn đời đến với tôi một cách đầy bất ngờ. Tôi đã mong muốn sẽ viết một cuốn sách về những đóng góp của cụ tiến sĩ Phạm Thọ Khảo - Lễ Bộ thượng thư Tả thị lang dưới thời Vua Mạc Mậu Hợp. Vào tháng 2/2020, tôi đã trao đổi mong muốn này với Hậu duệ đời thứ 19 của cụ tiến sĩ Phạm Thọ Khảo và về từ đường trước lăng mộ của cụ tiến sĩ để xin được viết sách. Sau đó bẵng đi một thời gian, khi tôi bị cuốn vào nhiều công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đến tháng 7 âm lịch, tôi có những giấc mơ lạ liên quan tới cụ tiến sĩ Phạm Thọ Khảo. Tôi có ấn tượng sâu đậm về bối cảnh ở từ đường, đó là dáng ngồi phía sau của cụ và chính cụ đã viết ra tên cuốn sách Nguyên khí ngàn đời trong giấc mơ của tôi. Từ đó tôi biết mình phải thật sự tập trung để hoàn thành tâm nguyện của người xưa, và đó cũng chính là mong muốn của tôi. Sau đó trong khoảng 9 ngày, tôi liên tục có những giấc mơ, và toàn bộ những gì có trong Nguyên khí ngàn đời là tôi viết lại từ những giấc mơ của mình. Tôi không nói về những gì mang yếu tố tâm linh hay mê tín dị đoan, nhưng tôi tin rằng Nguyên khí ngàn đời là minh chứng cho việc, khi chúng ta gửi đi thông điệp vào vũ trụ, thì mọi năng lượng từ vũ trụ bao la sẽ giúp ta thực hiện điều ta mong muốn, chỉ là chúng ta có quyết tâm đến đâu.
Tác giả Lục Hường.
Là thế hệ 8X, lại viết tiểu thuyết lịch sử với bối cảnh xảy ra hàng trăm năm trước, khó khăn của bạn là gì?
Những thông tin chính sử về triều Mạc trong quá trình tìm kiếm khiến tôi cũng hơi nản chí. Những thông tin tôi tìm được chỉ có ở thời của Vua Mạc Đăng Dung, còn đến đời Vua Mạc Mậu Hợp - triều đại cuối cùng của nhà Mạc - thì thông tin quá ít ỏi. Tôi lo lắng khi chỉ vẻn vẹn có một bài dịch từ bia cổ lưu giữ trong chi tộc Phạm Thọ về đóng góp của cụ tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, với thật ít thông tin. Nhiều lúc tôi đã nghĩ, với thông tin này chắc chỉ viết được những bài ngắn trên tạp chí, hoặc những mẩu phân tích nhỏ về công trạng. Khó khăn của tôi còn là việc miêu tả bối cảnh, vì khi sắp xếp những gì tôi nhìn thấy, những gì tôi hình dung, những gì đã có trong lịch sử thì vẫn có những điều chưa được ăn khớp. Khó khăn còn ở ngôn từ xưng hô, vì Nguyên khí ngàn đời là sự giao thoa giữa quá khứ, hiện tại, tương lai nên ngôn từ thay đổi liên tục, có khi chỉ trong một chương thì ngôn từ đã được chuyển từ hiện tại về quá khứ. Trên tất cả thì khó khăn nhất với tôi là lần đầu tiên thử sức mình với tiểu thuyết.
Bạn thấy hài lòng nhất với chi tiết, hoặc điểm nhấn sáng tạo nào trong cuốn sách?
Nguyên khí ngàn đời vẽ lên một bức tranh cuối triều Mạc với những tranh đấu và đầy rẫy những mối lo từ chốn cung đình. Thế nhưng lại chứng minh cho tất cả chúng ta một điều: ở đâu có trí tuệ và tình yêu chân thành ở đó có sự bình an. Dù đó là bao thị phi, dù đó là những đao kiếm, dù vây quanh là sự đe dọa cả tính mạng, nhưng mọi thử thách, khó khăn đều quá nhỏ bé, đều khuất phục trước sự hy sinh bằng chính trí tuệ và tình yêu.
Mối tình trong veo, tươi đẹp của Công chúa Triều Mạc, con gái của Vua Mạc Phúc Nguyên với tiến sĩ Phạm Thọ Khảo - Lễ Bộ Thượng thư Tả thị lang là nét chấm phá bình yên nhất trong chốn cung đình đầy những hiểm nguy. Hai con người dành cho nhau toàn bộ trí tuệ, sự chân thành và hy sinh cả tính mạng để chờ đợi nhau 440 năm. Sau thời gian được cho là một vòng quay của những kiếp luân hồi, họ mới gặp lại nhau, họ mới tìm ra nhau, họ mới kết nối lại với nhau. Bên cạnh đó là câu chuyện tình yêu trong thời chiến giữa 2 liệt sĩ Phạm Thọ Quang và Hoàng Oanh, một tình yêu có thật trong kháng chiến chống Mỹ. Có thể nhiều người, nhiều tiểu thuyết cũng viết về tình yêu, nhưng câu chuyện tình yêu này là câu chuyện vượt lên mọi tình yêu thông thường. Yêu bằng trí tuệ, yêu bằng sự biết ơn, yêu bằng sự chân thành, yêu bằng sự tin tưởng tuyệt đối và yêu dù không nói lên lời yêu một lần nào.
Tôi cũng viết về những người từ đầu đến cuối tưởng như là kẻ thù không đội trời chung, dù họ không cần gặp mặt, nhưng tình người và sự tử tế thì luôn vượt qua được mọi sự hiểu nhầm, mọi lời đồn đoán, mọi thị phi... Đó là cách Bùi tướng quân đã nhận tấm ân tình từ tiến sĩ Phạm Thọ Khảo để mãi sau này, họ dù là kẻ thù nhưng không bao giờ oán trách nhau.
Xin cảm ơn bạn. Nguyên khí ngàn đời chỉ là khởi đầu, để sau đó còn rất nhiều hành trình, rất nhiều cuốn sách với bối cảnh triều Mạc để thế hệ hôm nay hình dung đầy đủ hơn về bức tranh triều Mạc dưới thời Vua Mạc Mậu Hợp.