Khán giả xa lánh sân khấu?

10-10-2009 08:08 | Văn hóa – Giải trí

Trong cuốn Mấy vấn đề về công chúng của nghệ thuật sân khấu (NXB Sân khấu, 2009) tác giả nguyễn Phan Thọ đã nhận định: "Sân khấu Việt Nam (SKVN) trong cơ chế thị trường đang có nguy cơ suy thoái, tàn lụi, xuống cấp, khủng hoảng, bế tắc, mờ mịt...

Trong cuốn Mấy vấn đề về công chúng của nghệ thuật sân khấu (NXB Sân khấu, 2009) tác giả nguyễn Phan Thọ đã nhận định: "Sân khấu Việt Nam (SKVN) trong cơ chế thị trường đang có nguy cơ suy thoái, tàn lụi, xuống cấp, khủng hoảng, bế tắc, mờ mịt... Vì, càng nuôi giữ thì càng thất thu, càng làm vở thì càng vắng khách. SK cố tìm đến khán giả thì khán giả lại càng xa cách hơn".

Nhằm tham gia vào phong trào chung "Tìm giải pháp cho thực trạng của nghệ thuật SKVN hôm nay", tác giả Nguyễn Phan Thọ đã tìm ra các nguyên nhân của nội tại SK: nhà quản lý, chính sách, cơ chế, tài năng nghệ sĩ, truyền thống - hiện đại, dân tộc - quốc tế và khán giả để cuối cùng hướng tới nhận định quan trọng cho sự nghiệp của SK hôm nay là: SK không thể lấy nguyên mẫu từ thời bao cấp để định hình cho sự phát triển hiện nay. Vì ngành SK đang chuyển mình đi tới một vị trí mới. Uổng công cho những ai vĩnh hằng hóa một yếu tố nào đó của nghệ thuật; SK phải thích ứng với cơ chế thị trường trên cơ sở đánh giá của thị trường xã hội và phải coi nó là "loại hàng hóa đặc biệt"; SK phải đổi mới tận gốc quan niệm về cách làm ăn cũ, coi SK chỉ là thánh đường, hạ thấp trình độ của công chúng và SK cần tôn trọng khán giả, thay sự răn dạy bằng đối thoại, tranh luận...

Vở Mắt phố tham gia Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Ảnh: Quang Đức

Nghệ thuật SK là loại hình tổng hợp. Một trong những nguyên nhân của khủng hoảng SK là sự khủng hoảng về khán giả. Vì theo tác giả "vở diễn mà không có người xem thì chẳng khác gì đồ vật để chơi trong nhà" (tr.188), "nhìn nhận khán giả cho đúng là đã thành công nửa phần sự nghiệp SK" (tr.137)... Do đó, vấn đề quan trọng nhất để giải quyết khủng hoảng khán giả hiện nay, theo Nguyễn Phan Thọ, là thị hiếu. Nghệ sĩ cần phải biết phân loại thị hiếu khán giả: loại đến SK để giải trí; loại để đạt mục đích giao tiếp xã hội; loại đến để thỏa mãn hưởng thụ sáng tạo nghệ thuật... nhằm ứng xử cho phù hợp với sáng tạo của mình và có hướng "đào tạo khán giả lý tưởng - công chúng tiềm tàng" của mình. Xuất phát từ đó, tác giả yêu cầu quan tâm tới khán giả trẻ và "nghệ sĩ phải đem đến cho họ những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức và tính thẩm mỹ trọn vẹn với giá trị nhân văn cao nhất" (tr.119) để làm cho họ vượt qua "sự lạnh lùng băng giá, thờ ơ với cuộc sống, với mọi người" (tr.120).

Tập sách Mấy vấn đề về công chúng của nghệ thuật sân khấu được tác giả Nguyễn Phan Thọ cấu trúc thành 3 phần:

Phần I: SK Việt Nam, 60 năm - một chặng đường. Thông qua phần này, người đọc nhận thức được khái quát về nghệ thuật SKVN, về những thành tựu và thực trạng của nghệ thuật SK trong cơ chế thị trường.

Phần II: Vấn đề khán giả. Ở đây, tác giả đã phân tích, lý giải về khán giả, vai trò của khán giả đối với SK và thực trạng của khán giả SK hôm nay.

Phần III: Tìm hiểu thị hiếu khán giả. Ở phần này, tác giả đã trình bày về nguyên lý của xã hội học SK, vai trò và cách tiến hành của xã hội học SK, thông qua đó để nhận dạng về khán giả VN hôm nay.

Tập sách có giá trị tư liệu, giá trị lý luận và hữu ích cho nghệ thuật SKVN hôm nay.

  PGS.TS.Trần Trí Trắc


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn