Câu chuyện một lương y bình dị ở một bệnh viện bình thường chẳng có lấy một "mẩu bằng" luật sư, cũng chẳng có tí chức quyền, địa vị, đã không quản ngại gian truân đi minh oan cho bệnh nhân hoàn toàn xa lạ, đưa được cả "tụi trẻ" đang mang trọng tội hiếp dâm, cướp của, đã ngồi tù nhiều năm hẳn hoi thoát khỏi vòng lao lý, thật là khó tin như thể cổ tích thời hiện đại. Khó tin vì quá hiếm hoi, quá xót xa lẫn cả... vui sướng để người ta có thể nghĩ ra một diễn biến và kết cục như vậy.
Lương y Phạm Thị Hồng. |
Ngôi nhà của nữ lương y Phạm Thị Hồng nằm trong khu giãn dân phường Yên Phúc, quận Hà Đông. Bà Hồng chừng hơn năm mươi tuổi, dáng người đẫy đà, khuôn mặt phúc hậu ra đón tôi. Khi đã yên vị, câu đầu tiên bà nói với tôi là: "Lát ở lại ăn cơm với mẹ con cô cho vui, cơm rau cà thôi". Sự vồn vã, xởi lởi của một người mới gặp lần đầu ấy có thể khiến bất cứ ai cũng sẵn lòng thổ lộ hết tâm sự của mình. Về sau tôi mới biết, trong những lúc điều trị cho bệnh nhân, bà cũng thường hỏi han thân tình như thế. Đó là lý do mà bệnh nhân Nguyễn Đình Lợi, khi đó còn đang là "tội phạm" đã dốc hết nước mắt trong lần gặp gỡ ngẫu nhiên và đầy may mắn với bà.
Một ngày cuối tháng 12/2006, lương y Hồng đang ở Khoa Phục hồi chức năng - BV đa khoa Hà Đông thì bỗng thấy hai công an dìu một tội phạm vào. Đó là thanh niên tên Nguyễn Đình Lợi (SN 1980), mặt mũi rất trẻ, tỉnh táo nhưng gầy gò, ốm yếu, xộc xệch, tay chân liệt cứng đờ chẳng nhúc nhích nổi mà vẫn phải đeo còng đeo xích loảng xoảng. Lần đầu gặp cảnh này, sau một thoáng bối rối, bà Hồng liền yêu cầu tháo khóa cho bệnh nhân để có thể điều trị. Hai anh công an khăng khăng từ chối:
- Thằng này phạm trọng tội, án mười mấy năm mới ngồi tù có vài năm đấy bác sĩ ạ. Hở ra nó trốn mất thì ai chịu trách nhiệm.
- Thế là tội gì vậy? - bà Hồng hỏi.
- Hiếp dâm, cướp của, nặng lắm - câu trả lời của hai công an ngắn gọn bỗng khiến bệnh nhân bật khóc tức tưởi.
Sự việc xuất phát từ một vụ án cướp của và hiếp dâm xảy ra vào một đêm cuối thu gần mười năm trước, khi anh N.C.H và chị N.T.H.H đang ngồi tâm sự tại bờ mương gần trạm bơm xã Yên Nghĩa (Hoài Đức - Hà Nội) bị 3 đối tượng dùng dao, gậy khống chế cướp đi một số tài sản và tư trang. Số tài sản bị cướp trong đêm 24/10/2000 vỏn vẹn có 280.000 đồng, 1 đồng hồ điện tử, 1 khuyên tai và 1 chỉ vàng, nhưng vụ án trở thành nghiêm trọng ở chỗ: chị H.H. đã bị 3 đối tượng trên thay phiên nhau cưỡng hiếp còn anh C.H. bị đánh gây thương tích 21%. Ngày 22/4/2002, 3 thanh niên Nguyễn Đình Tình (SN 1981), Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên (SN 1980), đều ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, phải nhận án tổng cộng 41 năm tù, dù các bị cáo đều một mực không nhận tội trước tòa. Thậm chí trong phiên phúc thẩm, cả ba bị cáo nhất loạt xin... lĩnh án tử hình. Sau 2 cấp xét xử, qua gần 10 năm vùi tuổi xuân sau song sắt, các phạm nhân đã được minh oan và trả tự do. |
Bệnh nhân được xác định bị liệt sau tai biến mạch máu não do "cam khí uất kết" và không loại trừ đã từng bị tác động ngoại vật gây tổn thương. Bà Hồng vốn là lương y chuyên sâu về châm cứu, huyệt mạch, bấy giờ như thói quen vừa bấm huyệt điều trị vừa trò chuyện hỏi han. Lâu lắm mới thấy có một người dám cương quyết "vặn vẹo" công an, lại dám đứng về phía mình, Nguyễn Đình Lợi trong lòng đã lấy làm xúc động lắm, nên chỉ còn có bác sĩ trong phòng mới dám mở mồm nói câu đầu: "Tại sao cô tốt với cháu thế?". Bà Hồng trả lời thân tình: "Cháu là tội phạm nhưng với cô đã vào đây là bệnh nhân, phải được đối xử như người bình thường. Mà mày đã có vợ con gì chưa cháu?”
- Dạ con chưa.
- Thế trước nay đã bao giờ quan hệ với phụ nữ chưa?
- Dạ con chưa.
- Thế sao lại bị kết tội hiếp dâm, cướp của?
Lúc này bệnh nhân òa khóc: "Con khổ lắm u ơi. Năm 2000, công an đột ngột bắt cả ba chú cháu con, rồi ép phải nhận tội. Lúc ấy con mới 20 tuổi. Chẳng hiểu mô tê ra làm sao".
Mặc dù chưa hiểu nhiều về lập luận của cơ quan tố tụng, nhưng bà Hồng với cảm nhận tinh tế của một người nhạy cảm đã nhận ra điều gì đó khuất tất đằng sau vụ án này.
3 thanh niên được bà cứu thoát khỏi án tù. Ảnh: PV |
Trước tiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm của một lương y theo phương pháp đặc biệt đã đọc sách thấy, bà đã tự kiểm chứng bằng cách quan sát dương minh ở huyệt kế phong, của bệnh nhân Lợi. Cho đến giờ, lương y Phạm Thị Hồng vẫn nói chắc như đinh đóng cột: "Chỉ cần quan sát huyệt là tôi đã khẳng định thằng nhỏ chưa hề quan hệ với phụ nữ. Thế mà tụi nó lĩnh án vì phạm tội hiếp dâm, cướp của. Một người chưa từng quan hệ với phụ nữ, lại đang bị cam khí uất kết, nghĩa là do suy nghĩ, u uất, mất ngủ quá nhiều khiến tay chân cứng đơ ra, thì đúng là oan ức".
Tuy nhiên, "công thức chứng minh" theo kiểu của lương y ấy chỉ có thể tồn tại ở thời... Bao Công ngày xưa. Còn ở thế kỷ này, mọi lập luận không được mắt thấy, tai nghe, không chứng cứ cụ thể thì chẳng pháp luật nào công nhận. Cái khó khăn lúc này chẳng khác gì đứng trước vách núi cao chót vót mà con người chỉ có mỗi... niềm tin sẽ vượt qua. Thế nhưng bà Hồng đã chấp nhận đứng ra làm mọi công việc từ xác minh hiện trường, tiếp cận nạn nhân, nhân chứng, lật lại hồ sơ, tìm ra những điểm vô lý và viết đơn, đi đòi công lý thay cho những phạm nhân chẳng có "dây mơ rễ má" gì.
Điều gì đã khiến lương y hết lòng vì... người bị oan như vậy, để sẵn lòng thu xếp công việc, bước chân vào một hành trình kêu oan hộ đầy gian truân, tốn kém, thậm chí đã có lúc bà định lấy chính thân mình ra "thế chấp" nếu vụ án không sáng tỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo sau.
Phóng sư của Hoàng Dương