Hồi sinh cây gãy đổ sau mưa bão
Tháng 9/2020, bão số 5 quét qua Thừa Thiên Huế với sức gió khoảng cấp 9 nhưng gây thiệt hại nặng về tài sản. Đặc biệt, khoảng 15.000 cây xanh trên địa bàn TP Huế bị gãy đổ, bật gốc.
Chứng kiến cảnh tượng cây xanh gãy đổ la liệt, trơ trụi, nhiều người dân không khỏi tiếc nuối. Sau bão, số cây xanh này được UBND TP Huế giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế xử lý.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế cho biết, thời điểm đó, đơn vị huy động toàn bộ nhân viên để vừa cắt tỉa cành cây gãy chắn các tuyến đường vừa tìm giải pháp cứu cây.
"Qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo địa phương, chúng tôi quyết định chọn phương án không loại bỏ hết toàn bộ cây bị hư hỏng mà tiến hành trồng lại những cây có khả năng cứu sống được", ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, sau khi kiểm tra và tiến hành khảo sát hiện trạng, đối với những cây có khả năng trồng lại được, đơn vị lên phương án xử lý nhanh nhất, đặc biệt đối với cây cổ thụ để tránh cây bị mất nước nếu để lâu.
Toàn bộ những cây này sau đó được gia cố bằng các cột chống để tránh bị lung lay. Các nhân viên của đơn vị thường xuyên theo dõi, chăm sóc để cây sinh trưởng.
Điển hình cho việc trồng lại cây bật gốc sau bão ở Huế là việc cây xà cừ có tuổi đời khoảng 100 năm, nằm đối diện bến xe Nguyễn Hoàng bị bật gốc bởi cơn bão số 13 xảy ra vào tháng 11/2020.
Thời điểm đó, cây xà cừ bị bật gốc khiến nhiều người xót xa, việc cứu cây được người dân rất quan tâm. Trung tâm Công viên cây xanh Huế áp dụng phương án cắt tỉa cành, sử dụng thuốc kích rễ, sau đó di dời cây xà cừ đến trồng cách vị trí cũ khoảng vài chục mét.
"Nhờ việc cắt tỉa cành, trồng lại và gia cố thêm các cột chống mà qua các đợt mưa bão, hàng loạt cây xanh bị thiệt hại năm 2020 đến nay phát triển tốt và đứng vững", ông Chinh nói.
Chủ động trước mùa mưa bão
Theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, đơn vị đang quản lý khoảng 64.000 cây xanh các loại, trong đó hàng trăm cây cổ thụ có giá trị cao, cần được bảo tồn, như bằng lăng, phượng vàng, phượng đỏ, muối, long não.
Lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, năm nay dự báo tình hình mưa bão có thể diễn biến phức tạp, đơn vị tiến hành khảo sát hệ thống cây xanh cao to, cành tán vươn xa để xây dựng kế hoạch cắt tỉa, hạ thấp. Đồng thời, kiểm kê những cây già, mục, trồi rễ, đề xuất phương án chặt hạ, đảm bảo an toàn.
"Từ tháng 7, trung tâm huy động nhân lực và phương tiện tiến hành cắt tỉa cây, hạ độ cao, tạo thông thoáng, độ nhẹ cho cây. Việc cắt tỉa được chủ động hơn về thời gian và triển khai từ sớm nên đến nay đạt khoảng 90% tiến độ. Điều đáng ghi nhận người dân nhận thức việc cần thiết phải cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trước mùa mưa bão nên rất ủng hộ", ông Chinh nói.
Để giảm thiểu sự cố cây xanh, đơn vị quản lý cây xanh còn thực hiện công tác chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên. Trong đó, duy trì cây hiện hữu và thực hiện công tác cắt tỉa chăm sóc theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo cảnh quan và an toàn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, hàng năm, các nhân viên tiến hành cắt tỉa cành cho khoảng 4.500 - 5.000 cây, quá trình thực hiện luôn chú trọng đến thẩm mỹ, đặc biệt đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trong quá trình xử lý.
Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, ngày 9/9, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho biết, đơn vị vừa cử nhân viên mang theo các trang thiết bị, máy móc lên đường ra TP Hà Nội để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3. Theo đó, đoàn gồm 16 người cùng các phương tiện xuất phát từ khuya 8/9, khi đến nơi sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng khắc phục, cắt tỉa, thu dọn và trồng lại cây xanh.
"Đoàn đi lần này với tinh thần khi nào hết việc mới về, mọi kinh phí trong suốt quá trình do đơn vị tự túc. Trận bão số 5 hồi năm 2020, Huế bị thiệt hại nặng về cây xanh, TP Hà Nội cũng tăng cường lực lượng vào để hỗ trợ khắc phục hậu quả", ông Chinh nói.