Hơn 2000 chuyên gia y tế chia sẻ giải pháp tối ưu hoá chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới

11-12-2021 15:00 | Y tế
google news

Trong hai ngày (10 và 11 tháng 12), hơn 2.000 chuyên gia y tế trong nước và quốc tế, 80 báo cáo viên với hơn 100 bài báo cáo đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi tại sự kiện "Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Hoàn Mỹ và Mayo Clinic" được tổ chức lần đầu tiên trên nền tảng trực tuyến tại địa chỉ Website: https://hoanmyconference.vn.

Đây là diễn đàn thiết thực giúp các chuyên gia y tế trong và ngoài hệ thống Hoàn Mỹ cùng nhau chia sẻ các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và cập nhật những bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp giải quyết các khó khăn và thách thức do dịch COVID-19 đã và đang tác động đến ngành y tế và sức khỏe cộng đồng.

Với chủ đề "Tối ưu hóa chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới", đại diện Bộ Y Tế, đội ngũ y bác sĩ, lãnh đạo các bệnh viện trong và ngoài hệ thống Hoàn Mỹ cùng  chuyên gia y tế quốc tế từ Mayo Clinic (một hệ thống y khoa hàng đầu tại Hoa Kỳ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy Ban Liên Kết (Joint Commission International - một tổ chức uy tín về thẩm định và công nhận chất lượng y tế) đã cùng nhau chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, tập trung thảo luận về các vấn đề phòng ngừa, chăm sóc, và điều trị liên quan đến COVID-19. Ngoài ra, hội nghị còn cập nhật bước tiến mới trong điều trị và chăm sóc, các ứng dụng khoa học công nghệ ở mọi chuyên khoa cùng với những cải tiến chất lượng đã áp dụng thành công tại nhiều bệnh viện.

Hơn 2000 chuyên gia y tế chia sẻ giải pháp tối ưu hoá chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới - Ảnh 1.

Phát biểu tại Hội nghị, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Giám đốc Y khoa Cấp cao Tập đoàn Hoàn Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa chia sẻ: "Y học là ngành luôn thay đổi. Đặc biệt, trong thời kỳ COVID-19, có rất nhiều thay đổi về quan điểm trong chăm sóc, điều trị, và ngay cả trong thiết kế, tổ chức quản lý người bệnh. Y học gia đình, y học từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, bệnh án điện tử trở nên rất cần thiết để giảm thiểu tác hại của bệnh dịch, nâng cao chất lượng điều trị trong bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng. Vì vậy, hội nghị khoa học Hoàn Mỹ được tổ chức hàng năm nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn, những kỹ thuật tiên tiến nhất trong năm, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các đồng nghiệp trong và ngoài nước để cùng nhau phát triển, cùng nhau đạt chuẩn mực lâm sàng xuất sắc".

Trước lo ngại về dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Tiến Sĩ Otsu Satoko, Trưởng nhóm Đáp ứng Sự kiện Y tế Cộng đồng Khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã chia sẻ tại hội nghị rằng: "Sau một cuộc chiến lâu dài và cam go chống lại làn sóng thứ 4 từ dịch COVID-19, giờ đây chúng ta đang ở trong thời điểm bắt đầu và từng bước tiến tới một bình thường mới, đó là sống an toàn với COVID-19. Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa và kiểm soát COVID-19 cũng như các bệnh khác tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, và trong bất kỳ các tình huống nào, WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực của ngành y tế, nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nói chung và đối với COVID-19 nói riêng".

Đồng quan điểm cần thích ứng an toàn với COVID-19, Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS. BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: "Chúng tôi đang cùng với các Bộ-Ngành liên quan để xây dựng và trình cho Thủ tướng Chính phủ chiến lược cho đất nước trong cái giai đoạn mới. Đó là chúng ta phải cùng nhau thực hiện phương châm hành động chung sống an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng là an toàn sức khoẻ cho cộng đồng và tiếp tục phát triển kinh tế trong một cuộc sống bình thường mới."

Theo PGS.TS.BS Khuê, để thực hiện được điều đó Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1800 với nhiều nhóm giải pháp Y tế từ nhóm các giải pháp Y tế cơ sở, Y tế dự phòng, trách nhiệm điều trị, vaccine, thuốc và các nhóm giải pháp liên quan khác. Toàn hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam phải thực hiện nghiêm, không được lơ là chủ quan và thực hiện 5K, vaccine và áp dụng công nghệ.

Hơn 2000 chuyên gia y tế chia sẻ giải pháp tối ưu hoá chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới - Ảnh 2.

Bên cạnh các chia sẻ về dịch COVID-19, các chuyên gia y tế, y bác sĩ, lãnh đạo các bệnh viện còn thảo luận các chủ đề liên quan đến dược, kiểm soát chất lượng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ…và hợp tác quốc tế. TS. Cuong C. Nguyen – Phó trưởng khoa Giáo dục chuyên nghiệp toàn cầu của Mayo Clinic đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế giữa hệ thống y tế địa phương và các mạng lưới y tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh: "Y học không ngừng cải tiến và nhu cầu của bệnh nhân thay đổi thường xuyên thì việc đáp ứng nhu cầu người bệnh là bài toán khó. Theo quan điểm của Mayo Clinic, chúng tôi tin rằng để giải quyết thách thức này là cần tạo ra mạng lưới và hệ thống y tế kết hợp toàn cầu. Theo đó, nên thành lập quan hệ đối tác, kết nối và học hỏi từ các đồng nghiệp và tận dụng khả năng của nhau để không ngừng cải thiện toàn diện, có như thế, chúng ta mới có thể nâng cao, phát huy ngành y tế cho mọi cộng đồng, mọi quốc gia trên thế giới."

Trong hai ngày liên tiếp, Hội Nghị đã mang đến các chuỗi sự kiện "Workshop: Dược – Kiểm soát Nhiễm Khuẩn – Quản Lý Chất Lượng – Nghiên cứu khoa học" và "Phiên toàn thể Hội Nghị" bao gồm "Phiên đề COVID-19", "Phiên đề Non COVID-19" và các Phiên đề Báo cáo Nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng ở tất cả các chuyên khoa. Ngoài ra, các triễn lãm "ảo" và hội nghị vệ tinh từ các công ty đối tác trong toàn quốc cũng đã thu hút nhiều người tham dự.

Kể từ ca nhiễm virus corona (COVID-19) đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam vào ngày 23 tháng 01 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và điều trị cho người bị bệnh. Tuy nhiên, với sự nguy hiểm của các biến thể virus, đại dịch COVID-19 trở thành một cuộc khủng hoảng lớn tác động trực tiếp đến con người, kinh tế, xã hội toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Đứng trước khó khăn và thách thức đó, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ là một trong những hệ thống y tế tư nhân tiên phong và chia lửa cùng ngành y tế TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã chủ động chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị COVID-19 với quy mô 200 giường bệnh, tiếp nhận người bệnh COVID-19 ở tầng 2 theo mô hình tháp 3 tầng trong điều trị COVID-19 kể từ ngày 2 tháng 8. Sự chung tay của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã góp phần không nhỏ trong việc đồng hành cùng ngành y tế và cộng đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, căng thẳng nhất của đợt dịch thứ 4, bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam vừa qua.

Thông tin về Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ:

Được thành lập từ năm 1997 đến nay, Hoàn Mỹ là hệ thống y khoa tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Hơn 24 năm qua, Hoàn Mỹ đã tạo dựng được uy tín vững chắc trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, với chi phí hợp lý và chất lượng cao. Hiện, Hoàn Mỹ có 15 bệnh viện, 6 phòng khám với hơn 5.500 nhân viên và đã phục vụ hơn 3,8 triệu lượt người bệnh khám ngoại trú vào 2020.


PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn