Chương trình là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý giáo dục cùng giao lưu, trao đổi học thuật, công bố các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về những vấn đề trong giảng dạy và nghiên cứu giáo dục đại học tại Việt Nam dưới bối cảnh của thời đại công nghệ 4.0
Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm và nhận được hơn 100 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ gần 40 trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan khoa học trong cả nước như: Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Quảng Bình, Đại học VinUni, Đại học Quốc tế Hồng Bàng …
Hàng loạt vấn đề mới trong giảng dạy và nghiên cứu của giáo dục ĐH đã được các chuyên gia đặt ra như cá nhân hóa chương trình theo hướng xuyên ngành, phát triển trợ lý ảo thông minh bằng mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ giảng dạy, mô hình học blended learning (mô hình học tập kết hợp vừa trực tuyến vừa trực tiếp)...
PGS. Lê Khắc Cường - Phó Hiệu trưởng HIU phát biểu khai mạc hội thảo và nhận định: "Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động của cuộc sống ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Trí tuệ nhân tạo, các phần mềm với tiện ích ngày càng cao đã góp phần tích cực trong việc thay đổi từ triết lý giáo dục đến chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập.
Các từ khóa như: Chat GPT, chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, e-learning, trí tuệ nhân tạo, … xuất hiện với tần suất cao ở nhiều tham luận, báo cáo cho thấy một xu thế của giáo dục đại học trong thời đại công nghệ 4.0: ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, từ giảng dạy, học tập đến nghiên cứu, quản lý."
PGS.TS Nguyễn Đức Vượng - Hiệu trưởng, Trường Đại học Quảng Bình đã mang đến hội thảo bài báo cáo khoa học với những thông tin thú vị liên quan đến mô hình cá nhân hóa chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành.
Theo ông, trong thời đại 4.0 ranh giới về không gian và thời gian sẽ bị xóa bỏ trong việc tiếp cận tri thức, người học sẽ là trung tâm của quá trình đào tạo. Họ có quyền chọn những môn học, các đơn vị kiến thức phù hợp với nhu cầu cá nhân, từ đó nâng cao năng lực, kỹ năng và sự sáng tạo của bản thân.
Thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận mô hình đào tạo xuyên ngành là định hướng đúng đắn để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực cho nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một trong những vấn đề mới trong giáo dục đại học hiện nay được chú trọng nghiên cứu là các ứng dụng hỗ trợ học tập thông minh.
Với báo cáo tham luận "Phương pháp tích hợp mô hình tri thức và biểu diễn tài liệu cho hệ truy vấn kiến thức", PGS.TS Đỗ Văn Nhơn - Trưởng khoa Công nghệ - Kỹ thuật HIU đã trình bày nghiên cứu mới về mô hình tri thức mới phục vụ truy vấn kiến thức trong giáo dục hiện nay.
Phương pháp và kỹ thuật đề xuất trong bài báo cáo cũng được dùng trong ứng dụng thử nghiệm cụ thể, mang tính khả thi và hiệu quả cho việc tra cứu kiến thức trong dạy và học.
Nhiều đề tài báo cáo tại hội thảo cũng mang tính thiết thực, thời sự như: Phát triển trợ lý ảo thông minh bằng mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ giảng dạy; Bàn về blended learning tại các trường đại học hiện nay: Thực trạng và giải pháp; Ưu điểm và nhược điểm của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục và tác động của nó đối với giảng viên.
Hội thảo khoa học quốc gia do HIU tổ chức đã cung cấp thông tin thực trạng về giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam, các xu hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cũng là cơ hội để các giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ nhà trường được tiếp cận và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
HIU là trường đại học quốc tế đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học với hơn 41 chương trình đào tạo bao gồm chương trình tiếng Việt, tiếng Anh ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu đối với sự phát triển của xã hội.
Trải qua hơn 27 năm hình thành và phát triển, HIU đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên và sinh viên của Nhà trường.
Đặc biệt, trong khoảng 03 năm trở lại đây, tập thể thầy cô, học viên, sinh viên của Nhà trường đã không ngừng đổi mới và sáng tạo, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy và học tập.
Một vấn đề nóng bỏng được thảo luận sôi nổi tại hội thảo là việc cá nhân hoá chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành để đáp ứng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đề tài nghiên cứu này do tiến sĩ Phạm Xuân Hậu và PGS.TS Nguyễn Đức Vượng thực hiện.
TS Phạm Xuân Hậu cho biết hiện nay các trường ĐH đa số tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đây cũng là hình thức cho phép sinh viên lựa chọn chương trinh học phù hợp với cá nhân. Tuy nhiên, các môn học được lựa chọn cũng chỉ liên quan đến chuyên ngành đào tạo đã được xây dựng từ trước, sinh viên chỉ được lựa chọn thời điểm và chọn môn học.
Còn cá nhân hóa chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành là dựa trên mục tiêu học tập rõ ràng trên khả năng, kiến thức và nhu cầu của người học, chương trình đào tạo sẽ được xây dựng linh hoạt và có tính mở, thể hiện ở cả trong quá trình thiết lập cũng như triển khai chương trình.
Mỗi sinh viên chủ động xác định mục tiêu học tập dựa vào khả năng từ đó quyết định chương trình học tập phù hợp với bản thân.
"Việc cá nhân hóa chương trình đào tạo này giúp người học chủ động hơn, phát huy nội lực, người dạy hiểu rõ sinh viên hơn để có thể tư vấn, điều chỉnh phù hợp với kiến thức, năng lực, sở trường và nhận thức của họ"- TS Phạm Xuân Hậu.
Các chuyên gia đánh giá đây là một hướng mới và cần thiết cho giáo dục đại học trong tương lai. Tuy nhiên để thực hiện được thì nhận thức về dạy và học phải thay đổi, chương trình đào tạo cũng không nên quá nặng nề, đồng thời phải có hệ thống công nghệ đáp ứng.
Thuý Huyền