Hồi ký Trần Lập: Bỏ cả 'núi tiền' chơi xe 'độ'

24-03-2016 15:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chơi xe "độ" và "xê dịch" là hai niềm đam mê gắn với bản chất sống của Trần Lập, là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của anh.

Với người có niềm say mê âm nhạc như Trần Lập, những tưởng Rock đã ngốn trọn trái tim và khối óc của anh. Nhưng không, ở khía cạnh nào đó, anh vẫn còn nguyên sự say sưa với những món đồ chơi lung tung xếp đặt quanh mình. Cà phê. Mô tô. Phượt bụi. Xăm mình. Hút tẩu... Dù độ đam mê mỗi món một khác, nhưng với món nào, anh cũng mang tâm hồn nghệ sĩ đi trải nghiệm cái đẹp tận cùng. Đẹp trong vẻ ngoài thời trang, trong sự thưởng thức tinh tế, trong những trải nghiệm tháng năm, trong sự sẻ chia với những người đồng điệu. Âu cũng là biểu hiện của một người đam mê cuộc đời và biết tận hưởng cuộc sống...

Tôi nghĩ một trong những lý do đưa đẩy Trần Lập đến với thú xế độ là bởi tính anh vốn ưa sự khác biệt, ghét sự từa tựa giống nhau của hằng hà sa số những con người nếu không đang theo trào lưu thì cũng ưa sống nhàn nhạt ẩn mình. Theo lời những người bạn thân của anh, thuở còn sống ở quân khu Nam Đồng, từ nhỏ, Trần Lập đã bộc lộ tính cách nghệ sĩ và tỏ ra lập dị hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa. Đến khi học Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh cũng trở thành kẻ lạc loài với mái tóc dài cùng bộ đồ quá ư bụi bặm giữa vô số học viên điệu đàng sáng láng của một trường nghệ thuật thời bấy giờ.

Hồi ấy, chưa nói đến những chiếc xe phân khối lớn, xe máy đại trà đã là thứ ngoài tầm túi nên dù đã trót thích mô tô từ thuở chưa bán mất chiếc Simson đầu tiên vào năm 17 tuổi, anh vẫn phải chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Ấy thế mà ngay cả với xe đạp, anh cũng phải cố dành dụm để mua cho được một chiếc xe "cuốc" - dòng xe đua nam một mình một vóc dáng giữa hàng trăm chiếc xe Thống Nhất nhan nhản khắp đường phố Hà Nội những năm đầu thập niên 90.

Thế rồi, qua mấy năm sau, cuối cùng Trần Lập cũng mua được một chiếc xe độc đáo, hợp với tính cách của mình. Có điều, không phải vì anh đã giàu có gì, mà là bởi anh nghe được tin có người đang rao bán một chiếc Vespa cổ với giá khá "bèo". Vespa cổ mà lại giá bèo, nghe qua đã hiểu xe pháo kiểu này đương nhiên nằm ở mức đáy của cái sự ọp ẹp. Thế nhưng anh vẫn mừng như bắt được vàng và lập tức chộp lấy cơ hội hiếm có ấy. Để rồi từ đây, Trần Lập chính thức bước chân vào thú chơi xế độ.

Trong giới chơi xe, người ta có rất nhiều lý do để chơi và gắn bó với một hay nhiều chiếc xe. Có người cả đời chỉ chơi duy nhất một chiếc xe hay một dòng xe vì trót yêu đặc trưng nào đó của nó, hoặc cũng có thể bởi vì cùng với chiếc xe ấy, họ đã có những kỷ niệm đáng nhớ suốt đời... Có người lại yêu thích và mong muốn được trải nghiệm nhiều dòng xe khác nhau nên thay vì chỉ chơi duy nhất một con chiến mã, họ cắn răng xây nguyên một chuồng ngựa trong nhà. Trần Lập là kiểu người chơi thứ hai.

Đến nay, qua gần hai chục năm chơi đủ loại xe, anh cũng đã thấm thía đủ loại cảm xúc, từ sung sướng tới cay đắng với những chiếc xe mình từng có. Từ Vespa cổ tới dòng xe địa hình motocross, từ hoàng tử đen CD Benly 125 đến Café Racer. Gắn bó với từng giai đoạn chơi xe chính là sự đi lên trong cách Trần Lập trải nghiệm thú chơi độc đáo này.

Bắt đầu với dòng xe Vespa, Trần Lập trải qua hàng năm trời đau đớn với hàng núi tiền bỏ ra để sửa chữa những chiếc xe mình yêu quý.

Ai chơi Vespa mà không bất đắc dĩ thành thợ sửa xe! Ai chơi mô tô tới nơi tới chốn mà không phải nghiên cứu kiến thức kỹ thuật! Lý do đơn giản là vì hầu như không ai ngay từ đầu đã có đủ khả năng mua mới một chiếc xe xịn, chuẩn dáng mình yêu thích mà đều phải độ dáng từ một dòng xe cũ vừa túi tiền. Thuở chơi xe kiểu "con nhà nghèo", độ dáng cho đẹp đẽ xong vẫn phải chăm bẵm cho những chiếc xe lắm bệnh tật khiến anh cũng như bất kỳ người chơi xe nào khác thấm thía một điều: đẹp thôi chưa đủ, xe còn cần phải chạy "ngon" nữa. Bởi vậy, trong giai đoạn này, anh có xu hướng để tâm nhiều hơn tới kỹ thuật, và dành sự yêu thích tới những chiếc xe có động cơ mạnh, dáng khỏe, tốc độ như xe thể thao địa hình motorcross.

Tuy nhiên, sau một thời gian đào sâu vào các yếu tố kỹ thuật, Trần Lập tiếp tục bước sang một nấc mới là nghiên cứu về văn hóa xe, để rồi bắt đầu tìm đến những phong cách xe độc đáo. Và CD Benly 125 chính là chiếc xe đánh dấu cho bước chuyển tiếp này. CD Benly 125 không phải kiểu xe gây ấn tượng bởi những cải tiến kỹ thuật vượt trội. Nó quyến rũ bởi màu đen tuyền, bộ khung máy đồ sộ cùng những đường cong cổ điển, gợi cảm giác về sự nam tính mạnh mẽ, thâm trầm và cũng đầy lãng tử.

Trần Lập mê xe "độ" không chỉ vì sự độc đáo, tốc độ, mà còn là câu chuyện văn hóa đằng sau thú chơi.

Chẳng thế mà chàng "hoàng tử đen" này khiến giới nghệ sĩ mê mệt, dốc lòng chơi xe và bao giờ cũng đóng lên xe những dấu ấn phong cách của riêng mình. Từ yên xe, thùng xăng, hệ thống đèn đến hệ thống xả, bộ phận nào cũng được những chàng nghệ sĩ phóng tác sao cho thỏa mãn ý thích về cái đẹp của chủ nhân. Bởi vậy, với những người tinh ý, họ sẽ nhận ra CD Benly xuất hiện trên đường phố cũng có đủ hình đủ loại. Chưa kể những thứ như ống xả hình đuôi cá chép xuôi hay cá chép ngược, mà điều quan trọng là cảm giác mang lại của những chiếc xe. Có chiếc chỉ lướt qua đã thấy được vẻ gầm gừ hầm hố, có chiếc khiêm nhường hơn với vóc dáng hoài cổ suy tư. Nhìn vào chiếc xe, người ta như hiểu được chủ nhân của nó.

Với Trần Lập, sau vài lần thay đổi những chi tiết trên xe, khi bắt gặp một thiết kế xe CD Benly màu vàng đẹp khó lòng cưỡng lại, anh đưa ra quyết định táo bạo là chuyển màu cho dòng xe nổi tiếng với hình ảnh đen tuyền này. Bởi vậy nên khi chiếc CD Benly màu vàng của Trần Lập xuất hiện, anh đã khiến giới độ xe thời ấy phải ngỡ ngàng. Về sau này, khi đã chán màu vàng, anh lại cho xe về màu đen nguyên bản. Có thể thấy, ngay cả trong cách chơi xe, Trần Lập cũng có một độ "ngông" nhất định. Anh không e dè phá vỡ những khuôn mẫu, cũng không nhất thiết phải đặt ra cho mình một hình ảnh cố định nào. Anh để mặc cho sở thích tung bay. Thích gì làm nấy. Đơn giản là như vậy.

Sau CD Benly, Trần Lập bắt đầu mê đắm Café Racer - một phong cách độ xe đặc biệt, tốn khá nhiều giấy mực của những người yêu xế độ. Bởi lẽ, đây là kiểu xe gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ bởi vẻ ngoài vừa cổ điển vừa phóng khoáng mà còn bởi câu chuyện văn hóa đằng sau nó. Café Racer bắt nguồn từ nước Anh vào thập niên 50. Đó là thời điểm của một xã hội "công nghiệp hóa - đồng hóa nặng nề", khi mà những chiếc mô tô từng là biểu tượng của tầng lớp thượng lưu nay đã có giá rẻ hơn và trở nên đại chúng.

Những anh chàng sáng tạo nên Café Racer là những thanh niên yêu tự do, rock'n roll và tốc độ. Họ mua những chiếc xe vừa túi tiền rồi độ lại thành dạng xe đua với tay lái thấp, bình xăng móp vào hai bên sườn để tiện tỳ gối, nhờ vậy người lái có thể cúi rạp người xuống nhằm cản sức gió khi đi đường. Tất cả đều phục vụ cho việc tối ưu hóa tốc độ, giúp xe có khả năng tăng vận tốc tới 100 dặm/h (khoảng hơn 160 km/h), ngưỡng chỉ những chiếc xe đắt tiền mới có (đây cũng là lý do những chàng Rocker này còn được gọi bằng cái tên "những chàng trai trăm dặm"). Và bởi vì những chàng "cao bồi xe máy" ấy thường lựa chọn hai quán cà phê rock'n roll nằm trên xa lộ làm điểm đầu và điểm cuối của cuộc đua nên họ thường bị chế giễu là đám thanh niên "café racer" chứ không phải những tay đua thật sự. Nào ngờ, nhóm Rocker lại yêu thích cái tên đó và dùng nó để gọi một phong cách xe tự do, nổi loạn đặc trưng của mình.

Về sau, phong cách mê hoặc của Café Racer đã ảnh hưởng sâu rộng tới giới trẻ, trong đó có những nhóm nhạc Rock đình đám của thập niên 60 như The Beatles, và nhanh chóng trở nên đại chúng. Sự đại chúng hóa làm tư tưởng bản nguyên loãng dần, rồi trở nên thoái trào như bất kỳ trào lưu nào khác.

Đến những năm gần đây, khi những người yêu xe trở lại với Café Racer, họ dĩ nhiên không còn chịu ảnh hưởng của trào lưu, mà tìm đến chiếc xe bởi nó là sự kết hợp của một động cơ khỏe dành cho những tay đua, vẻ đẹp mạnh mẽ và khoáng đạt, cùng giá trị lịch sử hiện sinh của nó. Nói cách khác, khi Trần Lập quyết định độ một chiếc Street Tracker FTR theo phong cách Café Racer, anh đã tìm thấy ở Café Racer giá trị tổng hòa giữa kỹ thuật và văn hóa. Đặc biệt là khi giá trị văn hóa của chiếc xe ấy rất gần với tính cách tự do, ưa khác biệt vốn có của mình.

Sau Café Racer, Trần Lập vẫn tiếp tục hành trình khám phá và trải nghiệm nhiều chiếc xe giá trị khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sau nhiều năm chơi xe, đối với giới xế độ, hình ảnh Trần Lập đã bị trộn lẫn giữa nhiều dòng xe khác nhau, mà ngược lại, anh đã gắn một thương hiệu riêng với classic bike. Bởi lẽ từ street tracker cổ điển tới CD Benly 125 đến Café Racer, và rất nhiều chiếc xe anh đang chơi bây giờ đều tương đồng nhau ở dáng dấp classic.

Nhìn chung, classic bike là những chiếc xe thể thao bán cổ điển. Chúng giữ nguyên được vẻ đẹp nghệ sĩ của dòng xe cổ điển nhưng vẫn thỏa mãn được tốc độ tối thiểu cho những người đam mê sức mạnh (mặc dù Trần Lập vốn không phải là người thật sự mê tốc độ và luật giao thông của Việt Nam cũng không cho phép các biker được rít hết tầm ga như thế).

Về mặt cơ động, xe dạng gầm cao nên có thể đi hầu hết loại đường, từ đường nội đô đến đường rừng núi. Về mặt thời trang, đây là kiểu xe phù hợp với nhiều loại trang phục, từ vest, sơ mi đến đồ phông nhẹ nhàng. Với một người hết sức để tâm đến văn hóa đi đường như Trần Lập, anh còn chuộng kiểu xe này ở tiếng động cơ chạy êm ái không ảnh hưởng tới những người xung quanh. Nói cách khác, classic bike được anh yêu thích không chỉ bởi nó thể hiện rõ nhất cái tôi cá nhân của anh - lãng tử và mạnh mẽ, mà còn bởi đó là những chiếc xe thật sự dùng để lên đường.

Phần 1Phần 2, còn tiếp...

(Trích sách Rong chơi - Trần Lập, rock, moto và những cung đường, tác giả Yo Le, 1980 Books - Nhà xuất bản Lao Động. Sách phát hành chính thức ngày 29/2).



Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn