Đã có những trường hợp thắc mắc khi bị cảm sốt 38oC kèm nhức đầu, đau mình mẩy, họ dùng viên thuốc có acetylsalicilic acid 500mg để hạ cơn sốt và giảm đau đầu. Sau khi uống thuốc chừng gần một giờ thì mắt hơi bị sưng, nhưng đặc biệt là môi thì sưng to vều lên. Liệu đây có phải là do dị ứng thuốc? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về hiện tượng phù do dị ứng thuốc.
Một trường hợp bị phù Quincke. |
Người ta thường nói "thuốc là con dao hai lưỡi" bởi dùng thuốc là chấp nhận đưa những hóa chất lạ vào cơ thể với mục đích chữa bệnh. Cơ thể có thể chấp nhận những hóa chất trong thuốc với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống. Nhưng đôi khi những hóa chất trong thuốc gây ra các phản ứng quá mẫn (có người bị, có người không, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng: nổi mày đay, hen...) ảnh hưởng lớn đến hoạt động khác của cơ thể - đó là tình trạng dị ứng thuốc.
Dị ứng thuốc là một quá trình phản ứng khá phức tạp trong cơ thể, có thể với người này là bình thường hoặc xảy ra không đáng kể, nhưng với người khác thì nghiêm trọng. Dị ứng thuốc có thể là nổi mày đay, phù Quincke, viêm da dị ứng... thậm chí sốc phản vệ cực kỳ nghiêm trọng phải khẩn trương cấp cứu.
Quincke là lấy tên nhà khoa học Đức - người đầu tiên mô tả bệnh này vào năm 1882. Phù Quincke còn có người gọi là phù mạch, phù khu trú, phát triển một cách đột ngột, là tình trạng phù cục bộ mà nguyên nhân có thể do nhiều loại thuốc khác nhau gây nên như kháng sinh, các thuốc chống viêm không steroid, quinin... Phù Quincke thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc, phù với diện rộng ở trung bì và tổ chức dưới da. Vị trí hay gặp ở vùng da lỏng lẻo môi, cổ, quanh mắt, bụng, bộ phận sinh dục. Kích thước phù thường có đường kính rộng từ 2 - 10cm, giới hạn không rõ rệt, nếu ở môi làm môi sưng to biến dạng, nếu ở gần mắt làm cho mắt híp lại. Màu da vùng phù Quincke bình thường hoặc hơi hồng nhạt, không đau, không ngứa, đôi khi phối hợp với mày đay. Đặc biệt các niêm mạc có thể phù cùng với da và nếu xảy ra thì đây là một điều quan trọng bởi vì nếu phù Quincke xảy ra ở ruột, dạ dày thì gây đau bụng, ở não gây đau đầu, còn nếu ở họng, thanh quản có thể gây nghẹt thở phải cấp cứu. Phù Quincke có thể tái phát nhiều lần và mỗi bệnh nhân đều có một vùng cơ thể riêng hay tái phát.
Cũng nên biết, ngoài dị ứng thuốc, phù Quincke còn có thể gặp do thực phẩm ăn uống (tôm, cua, nhộng tằm, thịt bò, thịt gà...), do tiếp xúc với côn trùng, cây cỏ, lông súc vật...