Nguyên nhân của tình trạng này là do biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Indonesia khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải với hàng chục nghìn ca mắc mới và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.
Hội Chữ thập đỏ cảnh báo, Indonesia cần khẩn trương tăng cường hệ thống y tế, xét nghiệm và tiêm chủng vì số ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng, đẩy Indonesia đến "bên bờ thảm họa COVID-19".
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Indonesia
Nhóm cho biết, bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bogor, ngoại ô Jakarta, đã "quá tải", các lều cấp cứu đã được dựng lên để có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại các bệnh viện khác gần thủ đô, bao gồm cả bệnh viện thành phố Bekasi, nơi đã sử dụng hết 90% số giường bệnh.
Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Indonesia Sudirman Said cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đang chứng kiến số ca lây nhiễm kỷ lục. Các đội y tế của chúng tôi đang cung cấp hết sức có thể các dịch vụ chăm sóc cứu chữa người bệnh, mặc dù các bệnh viện đang dần cạn kiệt nguồn cung cấp ôxy."
Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, một phần là do biến thể Delta - được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và được cho là dễ lây lan hơn.
Indonesia đã ghi nhận hơn 2,1 triệu trường hợp mắc bệnh kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn 58.000 trường hợp tử vong, cao nhất Đông Nam Á.
Về vấn đề tiêm chủng, Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho chưa đầy 5% trong tổng số 270 triệu dân của nước này. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi viện trợ y tế và vắc xin khẩn cấp cho Indonesia khi nước này đang đối diện với làn sóng bùng phát COVID-19.
Trước vấn nạn bài vắc xin ở quốc đảo này, Hiệp hội Y khoa Indonesia đã lên tiếng khẳng định, bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được WHO phê duyệt đều giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 và giảm thiểu khả năng bệnh diễn biến nghiêm trọng.