Sáng 20/9, lãnh đạo UBND xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy sự việc bé gái 2 tuổi tử vong thương tâm do hóc kẹo dẻo.
Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra khoảng 17h ngày 19/9 tại một hộ dân ở xóm 10, xã Diễn Phú. Thời điểm đó, bé gái 2 tuổi chơi cùng với chị 6 tuổi ở trong nhà. Trong lúc chơi đùa, hai chị em lấy gói kẹo dẻo ra ăn thì không may bé 2 tuổi bị hóc dẫn đến ngạt thở.
Phát hiện sự việc, người mẹ liên hô hoán và đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường đi cháu bé đã tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, hóc dị vật là tai nạn thường gặp phải ở trẻ nhỏ, lứa tuổi hay mắc là từ 1-3 tuổi. Bố mẹ, người trông trẻ cần hết sức cảnh giác với những đồ vật xung quanh trẻ, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa vì có thể gây sặc.
Trong quá trình trông trẻ, chỉ một thoáng lơ là, bất cẩn của người lớn là trẻ có thể hóc sặc dị vật phải đi cấp cứu. Trẻ nhỏ thích khám phá và có khuynh hướng cho vào miệng các đồ vật, thức ăn như: trái nhãn, vải, chôm chôm, thạch rau câu để ăn…
Vừa ngậm ăn vừa chạy chơi, đó là điều kiện dễ làm cho dị vật chui vào đường thở khi trẻ hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc và trở thành mối nguy đe dọa tính mạng trẻ. Bởi vậy, việc sơ cứu đúng cách, kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật rất quan trọng và cần thiết.
- Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn.
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn.
- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Người Bệnh Hen Có Phải Kiêng Đồ Ăn Tanh? | SKĐS