Mong muốn chính quyền Trung Quốc "mở giàn khoan" của Phan Thị Thu Phương trong đêm chung kết Hoa hậu đại dương không phải là lần đầu tiên các ứng viên hoa hậu khiến khán giả "ngả ngữa".
Có khác chăng là Thu Phương đã phát biểu trong thời điểm cả nước đang sục sôi hướng về biển Đông, về một vấn đề mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng không thể bảo rằng mình không biết.
Hoa hậu ứng xử hay tấu hài?
Nhiều năm trước, ở thời kỳ đầu của các cuộc chơi nhan sắc, khán giả đã phải cười như mếu khi nghe một ứng viên hoa hậu bày tỏ mơ ước "được trở thành chim". Qua nhiều cuộc thi, các hoa hậu và ứng viên hoa hậu, thông qua những phần trả lời rập khuôn, như văn mẫu của mình đã hình thành trong tư duy của công chúng cụm từ "Em yêu hoà bình, em ghét chiến tranh" bởi ngoài những điều đó thì phần lớn thí sinh hoa hậu sẽ không biết phải nói gì khác trong các phần thi ứng xử.
Trong cuộc thi Nữ hoàng trang sức 2013, với câu hỏi về mối quan tâm của mình đối với ba vấn đề: môi trường, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng viên nữ hoàng đã hồn nhiên gọi tai nạn giao thông là một đại dịch, ứng viên khác thì khẳng định "Sự im lặng được ví như vật trang sức cho con người, nhất là đối với người phụ nữ. Người phụ nữ đẹp cần biết im lặng".
Vòng sơ khảo cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt, khi được hỏi về năng khiếu riêng (thích bơi), thí sinh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Ngày nhỏ, em thường ra hồ bơi với các bạn trai, em còn bắt được cả cá nữa. Em có thể bơi từ bờ bên này đến bờ bên kia mà không cần phải nổi lên mặt biển".
Vào đến bán kết, trước yêu cầu đưa ra nhận định về quan niệm phụ nữ điều khiển mọi việc bằng trái tim, thí sinh có chiều cao tốt nhất khu vực phía Bắc nói: "Trời vốn không cho ai tất cả mọi thứ. Đàn ông có thế mạnh về cơ bắp, phụ nữ có sự nhạy cảm hay giác quan thứ sáu mà mọi người hay gọi là EQ đấy ạ". Dù sau đó đã được giám khảo gợi ý, thí sinh này đành thật thà: "Kiến thức của em còn hạn hẹp, xin BGK cho phép em trả lời ở cuộc thi sau". Khi được đề nghị đọc một câu ca dao về phụ nữ Việt Nam, thí sinh thản nhiên đọc: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Mới đây, trong cuộc thi Người đẹp Kinh Bắc 2014, người đẹp Đậu Thị An tiết lộ trong phần thi ứng xử: "Đến với cuộc thi, em lần đầu được nghe hát Quan họ từ cô Thuý Cải và các liền anh liền chị, em thấy rất là thích. Em sẽ về kể cho bố mẹ người thân em về hát Quan họ ạ". Cô đã rất thật thà, nhưng cũng thật mỉa mai bởi cô sống ở Kinh Bắc, học hành tại đó, nhưng chỉ đến khi thi người đẹp mới được nghe Quan họ.
Ở quy mô nhỏ hơn, trong cuộc thi Duyên dáng sinh viên của ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, với câu hỏi về tình trạng nữ sinh đánh nhau, thí sinh mang SBD 075 sau khi đã rào trước đón sau rằng "Nếu em trả lời khéo léo quá mọi người sẽ nghĩ rằng em khôn, trả lời khờ khạo quá mọi người sẽ nghĩ là em ngu" (?!) đã "chốt hạ" rằng "Cũng may em không phải là nạn nhân. Cuộc sống này có biết bao điều tốt đẹp, sao mọi người lại phải đánh nhau làm gì. Em nghĩ những người có hành động đánh người kia chắc chắn là... có vấn đề về thần kinh".
Ở quy mô lớn hơn - tầm vóc quốc gia, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 đã ghi nhận câu trả lời ứng xử đầy choáng váng của một người đẹp Bến Tre. Khi được hỏi "Thế nào là một người sống có ích?", người đẹp mở đầu khá suôn sẻ rằng người sống có ích phải biết sống vì người khác, sống có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cô giải thích thêm: "Khi mình sống cho người khác thì người khác cũng sẽ phải sống lại cho mình. Khi mình cho đi thì cũng phải nhận lại được một ít". Trước những tràng cười từ khán giả, cô vớt vát: "Có thể các khán giả thấy mắc cười nhưng em nghĩ khi mình cho đi mà không nhận lại được một ít thì mình sẽ cảm thấy buồn và day dứt lắm đó". Có lẽ đây là nguyên nhân khiến các nhà tổ chức Hoa hậu Việt Nam quyết định bỏ nội dung thi ứng xử ở sân chơi này, sau đó, trước phản ứng của dư luận, vẫn giữ phần ứng xử nhưng không xem đó là phần thi chính thức.
Lỗi hệ thống
Trong tất cả những thảm hoạ ứng xử của người đẹp, công chúng cười đấy, nhưng ngay sau đấy chính là nỗi xót xa. Để tham gia các cuộc thi nhan sắc, theo quy định hiện hành, tất cả các thí sinh đều phải tốt nghiệp trung học phổ thông, không hiếm thí sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học. Thế nhưng qua từng phần thi ứng xử, người ta nhìn thấy nơi các cô những lỗ hổng kiến thức khủng khiếp.
Các thảm hoạ ứng xử ấy đã buộc nhiều nhà tổ chức phải chọn một phương án đối phó đầy mỉa mai - soạn sẵn đề cương câu hỏi ứng xử và cả nội dung trả lời để các người đẹp học thuộc lòng như cách người ta đã từng nhồi nhét học sinh trước các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh. Ở cuộc thi Hoa hậu đại dương lần này, các thí sinh cũng đã được "gạo bài" trước dựa trên tài liệu được BTC phát sẵn. Thế mà đến khi lên sân khấu, các cô vẫn ấp a ấp úng, vẫn râu nọ cắm cằm kia. Đúng thôi! Người ta không thể nói cái không có trong đầu mình, không thể biểu đạt điều mình không hiểu hoặc không trong phạm vi quan tâm.
Làm sao có thể bắt các cô phải quan tâm đến kinh tế, văn hoá, chính trị... khi mà trước và sau cuộc thi các cô phải bước vào vòng xoáy của những toan tính khác. Chuyện cô hoa hậu Triệu Thị Hà mới đây, tiết lộ mình phải đi "tiếp khách", phải tham gia các hoạt động đóng mác xã hội, từ thiện để phục vụ cho các mục đích riêng của BTC đã đẩy công chúng (và có lẽ là cả thí sinh) đến ý nghĩ rằng hoa hậu chỉ cần đẹp thôi, những chuyện khác không hề quan trọng. Những phát biểu ngây ngô của người đẹp Diễm Hương trên sân khấu Lễ trao giải Làn sóng xanh vừa qua thêm một lần nữa chứng minh rằng các người mẫu, người đẹp, hoa khôi... tốt nhất là không nên mở miệng nói, chỉ nên đứng im và mỉm cười để trang trí cho các chương trình mà thôi.