Hà Nội

Hoa hậu ao làng: bao giờ dứt được?

18-07-2014 09:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đến lúc này, những ồn ào quanh "cuộc thi" Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Ngoài chuyện ném bỏ danh hiệu, tố cáo quỵt tiền thưởng, dư luận lại đang tiếp nhận thông tin BTC bán giải.

Đến lúc này, những ồn ào quanh "cuộc thi" Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Ngoài chuyện ném bỏ danh hiệu, tố cáo quỵt tiền thưởng, dư luận lại đang tiếp nhận thông tin BTC bán giải.

Theo những gì được các thí sinh tiết lộ, họ đã được chào giải nhất với giá 350 triệu đồng. Nhiều thí sinh khác được chào giá để vào Top 5. Bên cạnh đó "cuộc thi" cũng bị nhiều người chỉ ra hàng loạt bất cập như việc chấp nhận cả thí sinh chuyển giới dự thi, thời gian thi hết sức cấp tập - không có vòng sơ khảo, bán kết như thường lệ mà chỉ có một buổi casting và vào thẳng chung kết...

Sau ồn ào ở cuộc thi không phép Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam và động tác ném danh hiệu vào xe rác, Trần Ngọc Bích đã được công chúng gọi tên "Hoa hậu xe rác"

Kỳ thực, những tố cáo, bất mãn ở các cuộc thi nhan sắc xưa nay đã là chuyện hết sức bình thường. Cứ sau mỗi cuộc thi người ta lại nghe các thí sinh tố cáo lẫn nhau, chuyên gia trang điểm tố cáo thí sinh, các cáo buộc mua bán giải thưởng và rất nhiều chuyện hậu trường khó kiểm chứng khác. Ngay cả ở góc độ khán giả cũng có ý kiến cho rằng người này người kia xứng đáng hơn người đoạt giải...

Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều không quan trọng bởi chúng chỉ là phần ngọn. Gốc rễ của câu chuyện nằm ở hệ thống quản lý và phương thức xử lý những cuộc thi nhan sắc và các vấn đề phát sinh từ đó.

"Loạn hoa hậu" là cụm từ đã được sử dụng từ nhiều năm qua để chỉ tình trạng ra ngõ gặp hoa hậu, nơi nơi thi nhan sắc. Thử làm một thống kê nhỏ thì mỗi năm chúng ta đã có hàng chục cuộc thi, từ Hoa hậu Việt Nam đến Nữ hoàng trang sức, Người đẹp xứ dừa, Hoa hậu miền đất võ, Nữ hoàng cà phê... Danh hiệu nào cũng kêu vang nhưng tài, sắc, hành vi của rất nhiều người mang vương miện lại là cái khiến công chúng hoảng sợ: quá tệ.

Dẫu biết chuyện đã qua không nên nhắc lại nhưng chắc chắn khán giả hôm nay vẫn chưa thể quên cô hoa hậu Nam Mê Kông Mỹ Xuân - người cầm đầu đường dây bán dâm cao cấp và đồng thời cũng là gái mại dâm. Khán giả cũng không thể quên cô hoa hậu Ngọc Trinh - người chiến thắng tại một cuộc thi hoa hậu cấp "hội chợ" ở nước ngoài - với những phát ngôn gây sốc và nổi tiếng nhờ khả năng khoe thân hơn là tài năng. Và đương nhiên người ta không quên một cô hoa hậu khác nổi tiếng nhờ quá khứ đánh người và chiến thắng dù đã có hai con.

Quế Vân bị công chúng gắn chết tên với danh hiệu "Hoa hậu đánh người"

Cơ quan quản lý biết tất cả những chuyện đó nên mới có quy chế cho phép tổ chức chỉ hai cuộc thi hoa hậu tầm quốc gia mỗi năm và ấn định mức xử phạt dành cho các cuộc thi, người đẹp thi chui, vi phạm quy định.

Nhưng cấm cứ cấm, làm cứ làm! Không cho thi hoa hậu thì người ta thi hoa khôi, thi nữ hoàng, thi miss, thi người đẹp, ngôi sao... Không cho tổ chức ở tầm quốc gia thì người ta tổ chức ở tầm khu vực, kiểu như Người đẹp xứ dừa hay Người đẹp Kinh Bắc, thậm chí tổ chức ở tầm "quốc tế" như Hoa hậu người Việt thế giới dù số thí sinh chỉ lèo tèo vài mươi người, trong điều kiện khó có thể gọi là một cuộc thi.

Câu hỏi là: Vì sao người ta sẵn sàng phạm luật như thế dù biết rất rõ luật? Vì mọi hình thức xử phạt của chúng ta hiện nay không đủ sức răn đe bất kỳ ai, thậm chí không thể xử phạt nổi.

Sau chiến thắng ở vị trí Á hậu 1 - cuộc thi Hoa hậu người Việt thế giới tại Mỹ trở về, Quế Vân bị xử phạt 15 triệu đồng cho hành vi thi chui. Cô đã nộp phạt và... nghiễm nhiên được gọi là hoa hậu bất chấp việc đã có hai con, bất chấp việc cô từng tham gia đánh người.

Dù không có giấy phép, người đẹp Phan Hoàng Thu vẫn thản nhiên sang Malaysia thi Hoa hậu du lịch quốc tế và bị phạt 15 triệu đồng - mức phạt căn cứ theo khoản 5, điều 14, Nghị định 158 của Chính phủ. Lý giải cho hành vi thi chui, Thu cho biết vì... không kịp xin phép.

Bị toà án Mỹ kết án 3 năm tù vì buôn cần sa, người đẹp Trish Trâm Bùi - hoa hậu cuộc thi ao làng. Hoa hậu người Việt thế giới đã được công chúng trao danh hiệu "Hoa hậu cần sa"

Hoa hậu "trả vương miện" Triệu Thị Hà dù bị đại diện BTC - Hoa hậu quý bà Kim Hồng tuyên bố cương quyết thu hồi vương miện nhưng khi đối chiếu lại các quy định thì kể cả bà Kim Hồng lẫn cơ quan chức năng đều không thể thu hồi danh hiệu của Hà. Dù hôm nay cuộc thi đã sang mùa mới và Hà đã thành cựu hoa hậu, nhưng điều đó có hề gì khi bên ngoài kia cô vẫn được gọi là hoa hậu với giá tham gia sự kiện lên đến hàng ngàn USD.

Hàng ngàn USD để xuất hiện trong một sự kiện, để... đi qua đi lại, tạo dáng chụp ảnh (càng tăng cơ hội quảng bá bản thân) là con số quá lớn so với mức phạt 15 triệu đồng nên không ngạc nhiên vì sao người ta sẵn sàng trả giá, sẵn sàng nộp phạt để có danh hiệu. 350 triệu đồng cho ngôi vị hoa hậu và hàng chục triệu đồng cho vị trí Top 5, chưa kể các khoản tài trợ và nhiều thứ khác so với mức phạt 50 triệu đồng vì tổ chức thi hoa hậu chui nào có sá gì.

Quanh các vụ ồn ào, phạm pháp của Phan Hoàng Thu, Quế Vân, Bà Tưng, Mr.T... chúng tôi đã từng cảnh báo về việc các vi phạm sẽ tiếp diễn và tiếp diễn ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn khi người ta đã "biết giá" của vi phạm. Giờ thì những điều đó đã thành hiện thực khi người ta công khai tổ chức thi hoa hậu không cần giấy phép. Cơ quan quản lý còn chậm chạp, lúng túng đến bao giờ?

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn